Vòng loại World Cup 2014: “Thuốc thử” hay “thuốc độc”?

Nhiều đội cười mỉm khi rơi vào bảng đấu nhẹ, nhưng cũng không ít đội bóng coi đây là cơ hội đòi nợ khi gặp lại đối thủ cũ.

Như vậy là ngoài Châu Mỹ có thể thức riêng, các đội tuyển quốc gia của 5 châu lục còn lại đều đã xác định được đối thủ  của mình tại các bảng thuộc vòng loại World Cup 2014. Từ đó, những cái tên sẽ được chọn để góp mặt tại vòng chung kết bóng đá thế giới diễn ra ở Brazil vào mùa hè 2014.

Tâm điểm và chắc chắn là thu hút sự chú ý nhất của báo chí là khu vực châu Âu, nơi được lựa chọn tới 13 suất vào vòng chung kết. Với tổng số 53 đội bóng đủ điều kiện đá vòng loại thì tỉ lệ này hứa hẹn những trận cầu quyết liệt.

Cựu vương năm 1998 sẽ gặp khó khăn khi phải đối đầu với nhà ĐKVĐ

Sự kiện nổi bật nhất liên quan có lẽ không gì ngoài việc đội tuyển Pháp – nhà vô địch  năm 98 bị xếp vào nhóm 2 bởi phong độ thời gian gần đây và nhất là cuộc khủng hoảng lực lượng sau World Cup 2010. Điều này khiến đội bóng áo Lam phải chung bảng với ĐKVĐ Tây Ban Nha, Belarus, Gruzia và Phần Lan.

Đánh giá về đối thủ chính, ông Laurent Blance HLV trưởng đội tuyển Pháp cho rằng: “Tôi cảm thấy hài lòng khi được đối đầu với những đối thủ mạnh như Tây Ban Nha. Cũng giống như nhiều đội tuyển khác, chúng tôi luôn coi trọng thực lực của họ. Dẫu sao thì đường đến vòng chung kết World Cup 2014 vẫn còn xa, và tôi luôn tự nhắc nhở bản thân rằng nhiều thứ sẽ thay đổi từ nay đến đó và đội tuyển Pháp sẽ có cơ hội chứng tỏ mình bởi Tây Ban Nha là đội bóng xuất sắc nhất thế giới hiện nay”.

Còn đội tuyển Anh sẽ gặp lại đối thủ nhiều duyên nợ Ukraine, đội bóng nằm cùng bảng với họ tại vòng loại kì World Cup trước, giải đấu mà Anh đã khiến Ukraine không thể đến Nam Phi tranh tài. Tuy nhiên, HLV Capello tỏ ra khá dè dặt khi đánh giá về các đối thủ nằm cùng bảng.

“Sẽ không dễ dàng bởi vì tôi không thể biết về khả năng thực sự của Montenegro. Còn Ukraine, chúng tôi đã gặp ở vòng loại World Cup 2010. Ba Lan đã chứng tỏ được sức mạnh bởi bây giờ họ cũng là một thế lực của bóng đá Châu Âu. Còn tôi cũng không dám chắc rằng San Marino có còn dễ chơi hay không” – “Cáo già” Capello nhận xét.

Đội bóng quê hương của Capello cũng phải chịu hoàn cảnh tương tự như tuyển Anh khi rơi vào một bảng đấu được đánh giá là khá khó khăn. Italy sẽ phải “làm việc” hết mình nếu muốn vào thẳng VCK.

Trái ngược với những phát biểu dè dặt, đại diện ĐT Đức, cựu danh thủ Oliver Bierhoff thì lại tỏ ra vui mừng khi Mannschaft được gặp những đối thủ được đánh giá là khó chơi như Thụy Điển, CH Ireland hay Áo. “Tôi thích được gặp áp lực, tôi thích đội bóng của mình đương đầu với những đối thủ mạnh hơn là được gặp những đối thủ yếu. Điều đó đem lại cho chúng tôi sức mạnh” – cựu cầu thủ của Udinese nói.

Nhưng dường như đó là những phát biểu mang tính xã giao, hoặc là những lời động viên tinh thần cầu thủ, chứ thực sự, bất ngờ và kịch tính có lẽ sẽ chỉ đến với loạt trận playoff khi 8 đội nhì bảng xuất sắc nhất vòng loại Châu Âu cạnh tranh 4 vé đến Brazil.

Ở khu vực châu Á, bảng B được coi là bảng đấu tử thần khi các đội tuyển Hàn Quốc, Kuwait, UAE và Lebanon gặp nhau. Bảng C cũng tương đối kịch tính khi ứng cử viên hàng đầu Nhật Bản gặp sự cạnh tranh của Uzebekistan, CHDCND Triều Tiên và Syria.

Tại châu Phi, do đẳng cấp chênh lệch của nhóm xếp hạng hạt giống loại 1 với loại 2 và 3 khá chênh lệch, nên người hâm mộ chỉ đặt hy vọng vào 1 số đội tuyển có khả năng gây bất ngờ như: Togo - đội cùng bảng Cameroon, Somalia - đội cùng bảng Nam Phi, Marocco với Bờ Biển Ngà hay cuộc đua tranh của Mali và Algeri. Còn lại, những khách quen của các kì World Cup như Ghana, Nigieria và Senegal đều rơi vào những bảng đấu dễ thở, việc đi tiếp chỉ chờ ở việc thi đấu đúng đẳng cấp và thực lực họ có./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên