Sự xuất sắc cá nhân và cái chết của lục địa già
VOV.VN - Như vậy một nửa chặng đường của World Cup 2014 đã trôi qua với 16 cái tên đi tiếp vào vòng knock – out.
Sự xuất sắc của các cá nhân
Trong bóng đá hiện đại, lối chơi đồng đội được đề cao và tất cả các cá nhân đều phải hy sinh cho mục đích cao nhất của tập thể. Nhưng trong những tập thể đó vẫn có những cá nhân nổi trội có thể làm xoay chuyển cục diện của cả trận đấu. Nếu như ở 2010, Tây Ban Nha lên ngôi nhờ lối chơi đồng đều thì 4 năm sau lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, dấu ấn của cá nhân đã được tôn lên trên cả cống hiến của cả một tập thể.
Một mình Neymar đang kéo cả đoàn tàu Brazil chạy băng băng (Ảnh: AFP).
Tất cả các đội bóng mạnh dễ dàng đi tiếp đều có những cá nhân nổi trội. Đó là Brazil với Neymar, cầu thủ có tới 4 bàn thắng, chiếm hơn nửa số lần ghi bàn mà Brazil có được tại thời điểm này. Hà Lan với 9 điểm tuyệt đối và tất cả đều được in dấu giày của Robben. Argentina nếu không có Messi tỏa sáng kịp thời trong trận gặp Iran thì chưa chắc đã đi tiếp dễ như vậy. Bên cạnh đó là Thomas Muller, người cũng có 4 pha làm bàn cho ĐT Đức và anh còn đóng góp thêm 1 đường kiến tạo.Những thống kê trên phần nào thể hiện được vai trò của các cá nhân trong một đội bóng tại kỳ World Cup lần này. Điều này đi ngược lại so với chủ nghĩa tập thể trong bóng đá. Trong một đội bóng chỉ cần 1 người nghệ sỹ, 10 cầu thủ còn lại sẽ buộc phải đóng vai trò “công nhân” để phục vụ người nghệ sỹ đó.
Cũng chính vì lẽ đó, những đội bóng có tiếng là chơi tập thể tốt như Tây Ban Nha cũng phải dừng bước ngay vòng loại. Italia khi Pirlo hay Balotelli không thể tỏa sáng thì ngay lập tức dừng cuộc chơi.
Tuy nhiên, tập thể để phục vụ một cá nhân cũng phải là một tập thể gắn kết, trường hợp của Ronaldo tại Bồ Đào Nha là một ví dụ. Anh là hạt nhân trong lối chơi của Bồ Đào Nha nhưng các đồng đội thì quá kém, Ronaldo hầu như rất đói bóng và thường xuyên cáu gắt khi các đồng đội không phục vụ mình.
Cái chết của lục địa già
Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử 20 kỳ World Cup, tỷ lệ các đội bóng châu Âu lại lép vế so với châu Mỹ như ở Brazil 2014. Trong số 16 đội lọt qua vòng bảng thì châu Âu chỉ chiếm 6. Nam Mỹ có 6 đại diện dự World Cup thì có 5 đội qua vòng bảng. Trung Mỹ và Caribe có Mexico, Costa Rica trong khi Bắc Mỹ là ĐT Mỹ. Như vậy, châu Mỹ sau vòng bảng chỉ rơi rụng có Honduras, Ecuador. Tỷ lệ là 2/11 trong khi châu Âu có 13 đội tham dự thì tới 7 đội phải về nước sớm.
Đáng sợ hơn, một số ông lớn của châu Âu đã lép vế trước các đối thủ yếu hơn. Tây Ban Nha, Anh, Italia, Bồ Đào Nha… đều phải thi đấu rất chật vật. Thụy Sỹ và Hy Lạp tuy đi tiếp nhưng công bằng mà nói, họ được xếp vào những bảng đấu khá dễ.
Tây Ban Nha là đội bóng châu Âu thảm bại nhất (Ảnh: Getty Images).
Châu Âu không chỉ lép vế về số lượng mà còn cả về chất lượng, khi bàn về những cá nhân xuất sắc, Nam Mỹ cũng đang chiếm thượng phong hoàn toàn. Dẫn đầu danh sách dội bom, kiến tạo đều là những cầu thủ Nam Mỹ. Khi bàn đến vấn đề phòng ngự thì cầu thủ xoạc bóng chính xác nhất cũng là người Nam Mỹ nốt. Châu Âu tất nhiên vẫn có một Arjen Robben rất hay, một Karim Benzema đầy hứng khởi, nhưng họ vẫn phải thấp hơn một bậc khi so với Messi và Neymar.
Trong 19 kỳ World Cup đã tổ chức, châu Âu vô địch 10 lần và 9 lần còn lại thuộc về Nam Mỹ. Với những diễn biến của giải đấu như hiện tại, khi World Cup dần trở thành một Copa America mở rộng và theo nhánh bốc thăm, chắc chắn sẽ có một đại diện Nam Mỹ ở bán kết thì nhiều khả năng, Nam Mỹ sẽ san bằng số lần vô địch World Cup với châu Âu./.