Ngành nông nghiệp - Trụ đỡ của nền kinh tế
VOV.VN - Phát triển nông nghiệp toàn diện là một tất yếu khách quan, là cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác, tạo điều kiện cho công nghiệp hóa nước nhà.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng và nhấn mạnh vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” và khẳng định: “Phải phát triển nông nghiệp một cách toàn diện”. Phát triển nông nghiệp toàn diện là một tất yếu khách quan, là cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác, tạo điều kiện cho công nghiệp hóa nước nhà. Thực hiện di chúc của Bác, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn khẳng định là "trụ đỡ" của nền kinh tế.
Trong gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam luôn duy trì ở mức tăng trưởng trung bình khoảng 3,5%/năm, xếp loại cao ở khu vực Châu Á nói chung, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á nói riêng. Sau thời kỳ thiếu lương thực kéo dài, từ năm 1989, nước ta đã trở thành nước xuất khẩu lương thực. Vấn đề an ninh lương thực được giải quyết toàn diện, không những đủ cung cấp lương thực, thực phẩm cho hơn 90 triệu người dân với mức thu nhập tăng cao mà còn trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông nghiệp phát triển đã tạo ra một nông thôn mới với những thay đổi về điện, đường, trường, trạm, giao thông, nhà cửa góp phần ổn định xã hội….
Ngành nông nghiệp phải là trụ đỡ của nền kinh tế. (Ảnh minh hoạ: KT) |
Với vai trò là ngành kinh tế tổng hợp có tính chất dẫn dắt, đến nay, nông nghiệp đã trở thành một nền sản xuất hàng hoá hội nhập quốc tế sâu sắc, luôn là "bà đỡ" của nền kinh tế. Nếu như năm 1986, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp chỉ đạt 486,2 triệu USD; năm 2000 đạt 4,2 tỷ USD, thì đến năm 2018, lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt 40,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Việt Nam đã trở thành một trong những cường quốc về xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn trên thế giới, với 10 mặt hàng kim ngạch hàng năm đạt 1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng, kết quả này là nhờ toàn ngành nông nghiệp cùng với các địa phương, sự đồng thuận của nông dân đã quyết liệt triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
“Nông nghiệp đã bước vào thời kỳ tăng trưởng và phát triển khá hoàn thiện, đặc biệt, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Điều này có thể phản ánh qua những chỉ số: năm 2018 tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp đạt 3,76%, đây là mức cao nếu chúng ta trở lại thời kỳ đầu của năm 2016 là đã có thời gian là tăng trưởng âm. Trong tăng trưởng chung của GDP của cả nước từ 6,5% đến gần 7% thì tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong cơ cấu GDP của cả nước và bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, từng bước đảm bảo an ninh dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Nguyễn Quốc Toản nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn đó những thách thức, khó khăn như: quá trình hội nhập ngày càng sâu sắc, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, những vấn đề nội tại đòi hỏi ngành nông nghiệp phải tiếp tục đổi mới để phát triển bền vững. Cùng với quyết liệt triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới, một trong những đột phá mà ngành nông nghiệp hướng đến là thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư và thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực mới cho tăng trưởng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để làm được điều này cần tập trung tháo gỡ những nút thắt về: đất đai, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cũng như những cơ chế trong hỗ trợ, liên kết với doanh nghiệp, từ thực tiễn triển khai tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Sản xuất nông nghiệp việc tích tụ ruộng đất là rất khó khăn, đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có bước đi cụ thể hơn trong vấn đề này, nhất là những cơ chế chính sách để tích tụ tập trung ruộng đất nhằm thúc đẩy quy mô sản xuất nông nghiệp, hiệu quả hơn. Kiến nghị Bộ ngành Trung ương và Bộ Nông nghiệp nghiên cứu bổ sung một số chính sách hướng đến khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn hiện đại, gắn với Chương trình "mỗi xã một sản phẩm - OCOP" phù hợp với yêu cầu phát triển của từng vùng sản xuất, nhất là những vùng khó khăn. Nhóm chính sách thứ hai là phát triển sản xuất nhưng hướng tới an sinh xã hội ở nông thôn”.
Nhấn mạnh việc phát triển nông nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội đất nước tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành nông nghiệp trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại mục tiêu 10 năm tới đối với ngành nông nghiệp: “Ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản, phải vào nhóm 10 nước của thế giới. Việt Nam phải phấn đấu trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản hàng đầu thế giới, là nơi sản xuất tôm lớn của thế giới. Tăng trưởng nông nghiệp phải đạt cao, ít nhất là 3%, xuất khẩu khoảng 42- 43 tỷ USD. Tôi đề nghị các đồng chí tìm mọi cách, phát huy mọi sáng tạo để thực hiện đạt cao hơn mục tiêu đưa ra”.
Tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu đề ra về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để cụ thể hóa và triển khai thực hiện.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với tái cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; xây dựng nông thôn mới, chủ động nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là các vùng còn nhiều khó khăn; đổi mới tổ chức sản xuất; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ làm cơ sở nâng cao nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh; nghiên cứu đề xuất đổi mới cơ chế chính sách huy động đa dạng các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó là đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kiện toàn, nâng cao năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn./.
Ngành nông nghiệp với những “nỗi lo” khi tham gia các FTA mới