Trăn trở sau Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019
VOV.VN - Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 đã khép lại với niềm vui và cả những trăn trở của người trong nghề.
Nghệ thuật tuồng và dân ca kịch truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức của việc bảo tồn và đổi mới, phát triển. PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 nhận xét: “Đâu phải ngẫu nhiên, không ít khán giả và đồng nghiệp đã thốt lên rằng: Tuồng, dân ca kịch đang tụt hậu chạm đáy rồi. Đúng sai thế nào, nhận định này chúng ta đừng vội tự ái, tức giận mà bình tĩnh cùng suy ngẫm và chăm lo đào tạo đội ngũ biên kịch Tuồng cấp thiết - rất cấp thiết”.
27 nghệ sĩ được trao HCV tại Liên hoan. |
Vài nét về Liên hoan Tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2019
Tham dự Liên hoan có 11 đơn vị nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp. Hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công mang tới Liên hoan 16 vở: 9 vở Tuồng, 7 vở Dân ca kịch, đa dạng về đề tài từ chính sử, dã sử, dân gian cho tới hiện đại: “Triết Vương Trịnh Tùng”, “Cái mẻ kho”, “Trung thần”, “Điều còn lại”, “Nốt lặng thời gian”, “Hoạn lộ”, “Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí”...
PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Liên hoan đã ghi nhận trong đêm bế mạc: “Bằng tất cả thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần của một đời, các nghệ sĩ đã “đốt cháy” mình dưới ánh đèn sân khấu và thắp lên ánh sáng huyền diệu của hình tượng tuồng, hình tượng dân ca kịch dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng từ thể tài chính kịch tâm lý xã hội, chính kịch sinh hoạt tả thực, chính kịch anh hùng ca đến bi kịch và bi hài kịch.
Tất cả các hình thức đó đều mang tính đổi mới, cách tân, tìm tòi, sáng tạo rõ rệt, tạo ra nhiều vở, nhiều lớp, nhiều miếng gây ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả qua tiếng cười, tiếng bình luận, tiếng vỗ tay và cả những giọt nước mắt xúc động. Những đổi mới ở mỗi tác phẩm trong liên hoan lần này là có thật, nhưng hầu hết vẫn giữ được kết cấu tự sự - kịch tính - trữ tình của truyền thống;
Vẫn gắn xếp các sự kiện thành những miếng trò nối tiếp miếng trò, lớp sóng sau đè lên lớp sóng trước, vẫn tuân theo thủ pháp ước lệ, cách điệu, tượng trưng, với mô hình nhân vật thiện ác phân minh, nghĩa tình rành mạch, tính cách nhất quán…làm cho liên hoan mang sức sống hiện đại hơn và cũng đậm đà bản sắc dân tộc hơn…”.
Vở tuồng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư - Huy chương Vàng. |
Khó quên được những hình tượng của các nhân vật: Thạch Sùng, Lê Văn Duyệt, Bà Muộn, Lê Đại Cang, Nguyễn Xí, Trần Khánh Dư, Thiếu úy công an Thu Thủy, ông Lộc, Trần Cảnh, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Trãi, Đặng Đại Độ….
Những nghệ sĩ lão luyện với giọng ca và bản lĩnh sân khấu chuyên nghiệp, những nghệ sĩ trẻ hát dư hơi, sáng giọng, diễn say đắm như: Hoàng Hà, Mạnh Linh, Lộc Huyền, Hồng Chuyên, Kiều Oanh, Văn Quang, Thiên Huế, Ánh Dương, Nguyễn Thị Quyên, Thanh Long, Sơn Hà, Băng Châu, Xuân Quan, Linh Hiền…
Những bàn tay “phù thủy” của các đạo diễn phần lớn là những ngôi sao có danh, có kinh nghiệm, có phong cách và có tâm huyết cao cả với nghiệp Tổ: NSND Lê Tiến Thọ, NSND Lê Hùng, NSND Hoài Huệ, NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Đặng Bá Tài, NSƯT Triệu Trung Kiên, NSƯT Hoàng Ngọc Đình, NSƯT La Thanh Hùng…
Nhiều miếng trò được đồng nghiệp tâm phục, khẩu phục đó là : Cảnh người dân ghé vai nâng, dựng, đỡ bệ rồng cùng các viên quan đầu triều trong Trung Thần, Cảnh Thạch Sùng đập vỡ cái mẻ kho trong Cái mẻ kho, Quan Lê Đại Cang khiêng võng trong Quan khiêng võng, cảnh giết Thái Bảo bằng dàn trống Tây Sơn, Bùi Thị Xuân bị bắt bằng hàng vây giáo mác trong Chói rạng sơn hà…
Chính vì vậy, hầu hết các vở diễn đều được thừa nhận là sạch sẽ, suôn sẻ, chuyên nghiệp…
Vở "Chói rạng Sơn Hà" của Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định được trao HCV. |
Những lấp lánh huy chương trong Liên hoan
Có thể nói, Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan lần này đã có sự đánh giá công bằng, khách quan và đã tìm ra những vở diễn xuất sắc nhất tại liên hoan để trao giải. Có hai vở xuất sắc nhất được trao Huy chương vàng: “Chói rạng Sơn Hà” (Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định), “Nhân huệ vương Trần Khánh Dư” (Nhà hát Tuồng Việt Nam).
Bốn vở được trao Huy chương bạc: “Quan khiêng võng” (Nhà hát Tuồng Đào Tấn), “Trung thần” (Nhà hát Tuồng Việt Nam), “Hoạn lộ” (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), “Cái Mẻ kho” (Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế). Liên hoan trao 27 Huy chương vàng, 49 Huy chương bạc cho các diễn viên có vai diễn xuất sắc trong các vở tham gia liên hoan.
Ca kịch "Mẻ cá khó" - Nhà hát nghệ thuật Huế. |
Sau Liên hoan là những trăn trở
Các vở diễn không nhiều tác phẩm có câu chuyện mới mẻ, độc đáo mà phần lớn chỉ là những câu chuyện quen thuộc đã nghe, đã biết, đã thấy ở lịch sử, ở truyền thanh, truyền hình hoặc đơn vị nào đó đã diễn, đã biểu hiện theo thể loại khác.
Thiếu những kịch bản văn học hay để tạo sự bứt phá cho tác phẩm, một số vở diễn thể hiện sự thiếu rạch ròi trong tư duy dàn dựng, lúng túng không biết dựng theo hướng bảo tồn nguyên bản cổ hay đổi mới, tư duy của một số tác giả, đạo diễn không bắt kịp được nhịp sống hiện đại, không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả đương đại
Vẫn còn vở có kết cấu thiếu chặt chẽ, logic, lớp thừa, lớp thiếu, lớp dài, lớp ngắn, lớp thiếu tinh tế, có vở thiếu thi pháp cơ bản của kịch hát dân tộc, nên đã tạo ra thực trạng “kịch nói cắm tuồng”, “kịch nói cắm dân ca”, có vở lại dùng ngôn từ đương đại và đôi chỗ cục cằn thiếu thẩm mỹ...
Vở Phù vân- Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa. |
Về đạo diễn, đôi vở đã lạm dụng trang trí, làm sân khấu thừa vật cảnh, choán mất không gian hành động của diễn viên hoặc làm mất sự chú ý của khán giả đến diễn xuất của nghệ sĩ; một số đạo diễn đã xử lý thiếu logic, vô lý, đối lập với sân khấu Tuồng tả ý truyền thống; có vở, trên sân khấu đông diễn viên nhưng nhân vật lại quá ít… Về nghệ sĩ biểu diễn, tại liên hoan lần này vẫn còn một số diễn viên tạo ra những “hạt sạn” như đôi khi hát bị phô, chênh, non, hụt hơi, thiếu chuyên nghiệp…
Câu hỏi đặt ra là sau 30 năm đổi mới thì sân khấu tuồng, dân ca kịch có thực sự đã đổi mới hay chưa? Giá trị của tác phẩm văn học nghệ thuật bao giờ cũng xác định bởi giá trị triết lý nhân sinh nhưng đúng như đánh giá của Hội đồng nghệ thuật thì rất ít vở có chủ đề mang tầm triết lý nhân sinh cao mà phần lớn vẫn cũ, vẫn mang tính thông tấn, minh hoạ hiện thực lịch sử, hiện thực đời sống.
Cái khó của sân khấu nói chung và kịch hát dân tộc nói riêng đang vắng khán giả là có thật. Nhưng 10 ngày đêm tại sân khấu Nhà hát Lam Sơn vẫn chật kín người xem đã đặt ra câu hỏi cho các nhà quản lý, các đạo diễn, các nghệ sĩ, diễn viên vì sao khi đông khán giả, khi lại vắng người xem? Không phải khán giả không mặn mà với nghệ thuật truyền thống mà là những tác phẩm ấy, cách diễn ấy đã đủ sức “lay động” người hâm mộ để kéo họ tới rạp hay chưa?...
Và đó cũng là những trăn trở về nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch làm sao bảo tồn, phát triển, có thể “sống” khỏe trong thời hiện tại, tương lai./.