Liệu Mỹ có chặn nổi tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên?
VOV.VN - Trừ các tướng lĩnh Mỹ, không nhiều người tin tưởng vào khả năng đối phó với các tên lửa đạn đạo liên lục địa Triều Tiên của quân đội Mỹ.
Quân đội “nói cứng”, chuyên gia hoài nghi
Vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên với khả năng tấn công vào bang Alaska của Mỹ đã làm dấy lên câu hỏi về việc liệu quân đội Mỹ có khả năng đánh chặn tên lửa hoặc cụm tên lửa nói trên hay không?
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Phát biểu với các phóng viên ngày 5/7, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Jeff Davis khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng phòng thủ của mình trước mối đe dọa còn rất hạn chế [ám chỉ từ các tên lửa của Triều Tiên-ND]”.
Ông Davis viện dẫn cuộc thử nghiệm thành công hồi tháng 5 vừa qua, trong đó, tên lửa đánh chặn của Mỹ đã bắn hạ một tên lửa mô phỏng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên. Tuy nhiên, chính ông Davis cũng phải thừa nhận rằng, hệ thống theo dõi tên lửa đối phương của Mỹ có vấn đề.
“Kết quả mà chúng tôi thu được từ cuộc thử nghiệm vừa qua vẫn chưa thực sự hoàn hảo. Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định rằng, chúng tôi có thể bắn hạ nhiều tên lửa của đối phương cùng một lúc”, ông Davis nói.
Tuy nhiên, không nhiều chuyên gia tại Mỹ chia sẻ sự tự tin của ông Davis, các chuyên gia cho rằng, dù đã đổ hàng trăm tỷ USD để xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa “tầng tầng lớp lớp”, Mỹ vẫn có thể bị tổn thương trước một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên.
Các chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay của Mỹ chỉ có thể bắn hạ được một hoặc một cụm tên lửa với số lượng rất hạn chế của Mỹ. Nếu Triều Tiên tiếp tục duy trì chương trình hạt nhân và tên lửa hiện nay, nhiều khả năng hệ thống phòng thủ của Mỹ sẽ bị vùi dập bởi hệ thống tên lửa của Triều Tiên.
“Trong vòng 4 năm tới, Mỹ cần phải tăng cường năng lực hệ thống phòng thủ tên lửa của mình bằng cách triển khai thêm và tăng tốc độ phản ứng của các hệ thống này”, ông Rikki Ellison, người sáng lập Tổ chức Liên minh về Phòng thủ Tên lửa, nhận định.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa: Quân Át chủ bài đáng sợ của Triều Tiên
Kết quả thử nghiệm “tốt xấu lẫn lộn”
Theo Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) của Mỹ, các cuộc thử nghiệm hệ thống tên lửa đạn đạo của Mỹ- vốn hết sức đa dạng với nhiều lớp phòng thủ và tầm bắn khác nhau đủ khả năng bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Mỹ- cho ra kết quả hết sức trái ngược nhau.
Theo đó, tỷ lệ thành công của Hệ thống Phòng thủ Giai đoạn giữa từ Mặt đất (GMD) chỉ là trên 55%. Trong khi đó, tỷ lệ này của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đặt trên các tàu Hải quân Mỹ và trên đất liền lên đến 83%.
Đáng chú ý, Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) có tỷ lệ chính xác lên đến 100% trong cả 13 vụ thử tiến hành từ năm 2006-nay. THAAD và Aegis là các hệ thống do Tập đoàn Lockheed Martin phát triển. Trong khi đó, Boeing phát triển hệ thống GMD.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan lên nắm quyền vào những năm 80 của thế kỷ trước, Chính phủ Mỹ đã chi tổng cộng hơn 200 tỷ USD để phát triển và đưa vào sử dụng một loạt các hệ thống phòng thủ tên lửa. Trong số này, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã chi 8,12 tỷ USD. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump yêu cầu chi 7,8 tỷ USD chỉ riêng trong năm tài khóa 2018.
5 phương án cho Mỹ đối phó với Triều Tiên: Quá ít, quá rủi ro
Triều Tiên “chỉ cần 1-2 năm nữa” là có thể khiến Mỹ e dè
Tháng trước, Phó Đô đốc Mỹ James Syring chia sẻ trước Quốc hội Mỹ rằng, tốc độ phát triển tên lửa của Triều Tiên trong vòng 6 tháng qua đã khiến ông cảm thấy hết sức lo ngại.
Cùng chung quan điểm này, chuyên gia về tên lửa của Mỹ John Schilling cho rằng, tốc độc phát triển tên lửa của Triều Tiên là “nhanh hơn so với tính toán của các chuyên gia”.
“Dù vậy, phải mất thêm 1-2 năm nữa Triều Tiên mới có thể phát triển được loại tên lửa có độ tin cậy và chính xác cao có thể tấn công các mục tiêu “có giá trị cao” trên đất Mỹ, đặt biệt là trong tình trạng chiến tanh”, ông John Schilling nói.
Ông Michael Elleman, chuyên gia về phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho tằng, dù Triều Tiên mới chỉ đi được những bước đầu trong việc phát triển một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa đáng tin cậy, “chẳng có gì bảo đảm rằng” Mỹ có thể chống lại được loại tên lửa đó.
Theo ông Michael Elleman, trong việc phòng thủ tên lửa: “Ngay cả những hệ thống đạt được tỷ lệ đánh chặn thử lên đến 100% cũng không có gì đảm bảo được hệ thống này sẽ hoạt động hoàn hảo trong thực chiến”./. Cận cảnh vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên của Triều Tiên