Hiểm họa từ những nhà hàng nổi xây dựng trái phép trên sông
VOV.VN -Các nhà hàng nổi xây dựng trái phép, hoạt động kinh doanh ăn uống xả thải ra sông, ồn ào ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân địa phương.
Thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều nhà hàng nổi kinh doanh ăn uống dọc khu vực cầu cảng cá Trà Bồng, thuộc xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đáng lo là tất cả những nhà hàng nổi này đều xây dựng trái phép, ảnh hưởng đến dòng chảy, tiềm ẩn nhiều hiểm họa, gây mất an ninh trật tự và làm ô nhiễm môi trường dọc 2 bên bờ sông.
Nhiều người dân sống gần khu vực cầu cảng cá Trà Bồng, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bức xúc vì ngày càng có nhiều nhà hàng kinh doanh ăn uống mọc lên trên khúc sông này, ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng sống của bà con.
Một người dân ở thôn Tân Hy Phức Cây Bàng, xã Bình Đông cho biết, nhà hàng trên sông không chỉ gây mất an ninh trật tự mà còn làm ô nhiễm môi trường và phát sinh tệ nạn xã hội.
"Tôi thấy họ làm vì quyền lợi cá nhân nhưng ảnh hưởng đến cộng đồng. Dùng nước sông tắm là bị ngứa ngáy, ghẻ lở. Khách ở đây ồn ào, say xỉn làm mất an ninh trật tự. Vì lãi nhiều, nên những chủ nhà hàng đua nhau làm mà không nghĩ đến cộng đồng, sức khỏe người dân. Họ ngang nhiên xả thải ra sông, khiến dòng nước ô nhiễm", một người dân cho biết.
Cũng theo phản ánh của người dân, ngày càng nhiều nhà hàng nổi được xây dựng, mới đây đã có thêm 5, 6 nhà hàng mới mọc lên.
Khu vực cầu cảng cá Trà Bồng đã được quy hoạch làm bờ kè cảng cá. Tuy nhiên, người dân vẫn tự ý xây dựng bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương.
Hiện nay, dọc sông Trà đoạn qua xã Bình Đông dài khoảng 1 km có đến 7 nhà hàng kinh doanh ăn uống. Các nhà hàng này được dựng nổi trên mặt nước nhờ những chiếc thùng phuy kết lại với nhau, bên trên lót sàn gỗ, mái lợp tôn... Tất cả đều xây dựng tự phát, không giấy phép xây dựng, không giấy phép kinh doanh. Với kiểu thiết kế sơ sài, vào mùa mưa bão rất dễ xảy ra sự cố.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho rằng, xuất phát từ việc người dân thiếu đất sản xuất nên sử dụng mặt nước để kinh doanh buôn bán. Chính quyền địa phương đã đến vận động, nhắc nhở, lập biên bản xử lý hành chính, buộc tháo dỡ. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh xây dựng nhà hàng nổi lén lút vào ngày nghỉ, giờ nghỉ nên rất khó kiểm soát và xử lý.
"Ngay từ đầu, chính quyền cũng đã phối hợp với Biên phòng, các lực lượng đến ngăn cản, buộc bà con tháo dỡ nhưng bà con vẫn lén lút, tự ý làm vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. Bây giờ đã hình thành những nhà nổi như vậy thì các cơ quan như cảnh sát giao thông đường thủy, Thanh tra sở Giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng đã về kiểm tra, lập biên bản và buộc các quán tháo dỡ để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên đến nay bà con vẫn buôn bán, cũng rất là khó để xử lý", ông Thanh cho biết.
Hoạt động kinh doanh trên nhà hàng nổi tồn tại nhiều bất cập do kết cấu không an toàn, không đăng ký, đăng kiểm, nguy cơ mất an toàn đối với khách nhất là trong mùa mưa lũ. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiên quyết xử lý, buộc tháo dỡ đối với những nhà hàng không đảm bảo an toàn.
Hồ Tây hôi thối, ngập rác sau khi tháo dỡ nhà hàng nổi
Ông Lý Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết theo ý kiến của tỉnh, hiện nay huyện đang kiểm tra, rà soát lại các nhà hàng nổi xây dựng trái phép. Những nhà hàng nào không an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng sẽ buộc phải tháo gỡ.
Theo ông Lý, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho các chủ nhà hàng này để họ thấy được mức độ nguy hiểm, tự giác tháo gỡ. Dù các hộ kinh doanh đã phải đầu tư một khoản tiền không hề nhỏ để xây dựng, song huyện vẫn sẽ kiên quyết xử lý đến cùng những trường hợp bị vi phạm.