BOT Cai Lậy: Tài xế vẫn phản đối trạm thu phí đặt sai vị trí
VOV.VN - Nhiều lái xe cho rằng Trạm BOT Cai Lậy đặt ở vị trí chưa hợp lý, vì thế nhiều tài xế đã dùng các hình thức để đối phó khiến trạm liên tục "thất thủ".
Những ngày qua, trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang thu hút sự chú ý của dư luận. Trong đó, nhiều người dân cho rằng Trạm thu phí Cai Lậy đặt ở vị trí chưa hợp lý. Vì thế nhiều tài xế đã dùng các hình thức để đối phó như đưa tiền mệnh giá nhỏ, rồi tiền mệnh giá cao, rồi yêu cầu nhân viên trạm thu phí phải trả lại tiền thừa đúng 100 đồng, nếu không sẽ không đi...
Tài xế và chủ xe phản đối trạm thu phí đặt không đúng chỗ. |
Chính vì thế mà 3 ngày qua (30/11 đến 2/12), kể từ khi trạm thu phí Cai Lậy chính thức thu phí trở lại thì mức độ phản ứng của người dân, nhất là tài xế tham gia giao thông càng gay gắt hơn.
Kể từ ngày 30/11, khi trạm thu phí BOT Cai Lậy chính thức thu phí trở lại, trên tuyến quốc lộ 1 đi qua địa bàn Cai Lậy, tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp. Trạm BOT Cai Lậy phải nhiều lần xả trạm để đảm bảo an toàn giao thông.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, vấn đề mà tài xế bức xúc dẫn đến các hành vi không hợp tác với việc thu phí tại trạm BOT Cai Lậy là vị trí đặt trạm. Tài xế cho rằng, BOT xây dựng tuyến tránh mà đặt trạm tại Quốc lộ 1 là không hợp lý.
“Trạm thu phí này không hợp lý vì anh em qua đây rất nhiều lần chứ không phải một lần. Trạm thu phí nên đặt vào tuyến đường tránh thì hay hơn. Tụi em đi hay không là quyền của tụi em. Trạm thu phí không có thất thu đâu, làm lúc nào cũng có lãi. Tụi em có đóng phí đường bộ hàng năm hết rồi”, một tài xế khi lưu thông qua tuyến đường này cho biết.
Trước những diễn biến phức tạp ở khu vực trạm thu phí Cai Lậy, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT có báo cáo tổng hợp, toàn diện về các dự án BOT, đặc biệt là công trình BOT Cai Lậy (Tiền Giang).
Còn thực tế lúc này đang diễn ra tại Trạm thu phí Cai Lậy cho thấy, sau thời gian ngừng thu phí, mặc dù giá vé đã được tính toán giảm khoảng 30%, nhưng nhiều tài xế có phương tiện lưu thông qua lại cũng như một bộ phận người dân ở khu vực xung quanh trạm thu phí vẫn không đồng tình. Bởi những lý do đưa ra là người dân đi trên quốc lộ 1 vẫn phải trả phí; trong khi đây là tài sản quốc gia, phải bảo đảm cho người dân đi lại tự do từ ngân sách và từ Quỹ Bảo trì đường bộ.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương Thành phố Cần Thơ cho rằng: Giờ đây, hạt lúa, trái cây, con cá, con tôm của vựa trái cây, vựa lúa ĐBSCL lại phải chịu thêm những gánh nặng của phí BOT.
“BOT thực hiện cũng tạo điều kiện để có đoạn đường tốt hơn. Nhưng việc làm này bất cập bởi đã đóng thuế qua phương tiện, xăng dầu rồi. Giờ thì phí chồng phí. Qua đó, tạo áp lực đè sức cạnh tranh của các loại sản phẩm nông sản của ĐBSCL”, ông Toại cho hay.
Mỗi lần sau khi xả trạm, giao thông trên Quốc lộ 1 thông suốt. |
Theo một số chuyên gia kinh tế, thỏa thuận giữa chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và doanh nghiệp cho phép nhà đầu tư “tăng cường mặt đường quốc lộ 1” để đặt trạm thu phí tại Cai Lậy cần được xem xét trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Bởi nguyên tắc của BOT là thêm sự lựa chọn mang tính chất tốt hơn cho người dân. Đó là người sử dụng công trình thì trả phí.
Tuy vậy, ở Trạm thu phí BOT Cai Lậy, mọi phương tiện qua lại cho dù đi trên tuyến đường xây dựng mới hay Quốc lộ 1 dù muốn hay không cũng phải bắt buộc đóng phí.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng giải pháp hữu hiệu đối với các dự án triển khai theo hình thức BOT đầu tiên chính là sự minh bạch thông tin về dự án cũng như các phương án tài chính. Sự minh bạch thứ hai chính là minh bạch trong đấu thầu để có nhiều nhà đầu tư tham gia, trong đó ưu tiên các điều kiện có lợi hơn cho người dân. Đặc biệt, Bộ GTVT nên đóng vai trò là trọng tài điều tiết thị trường, hơn là đứng về phía nhà đầu tư.
“Trong tình hình vốn ngân sách còn nhiều khó khăn, cần phải cân nhắc để có những dự án đầu tư dạng này. Song cần giảm cái gọi là phong trào BOT. Thứ hai là thực hiện công khai minh bạch, giám sát nghiêm túc. Thứ 3 là phải đấu thầu công khai”, ông Lê Đăng Doanh nói.
Chủ trương thực hiện xây dựng hạ tầng giao thông ở một số dự án theo hình thức BOT là cần thiết, nhưng cách làm với sự giám sát của các bộ ngành, địa phương là quan trọng.
Khi xảy ra vụ việc căng thẳng lần thứ 2 sau khi Trạm thu phía Cai Lậy đi vào hoạt động chính thức từ ngày 1/8, cần có biện pháp khắc phục ngay. Bởi việc Bộ GTVT đồng ý việc giảm, miễn phí tại trạm BOT Cai Lậy đặt nhầm vị trí cũng giống như việc tìm cách cắt cơn bệnh chứ không tìm ra biện pháp xử lý bệnh triệt để./.
BOT Cai Lậy liên tục xả trạm và “chiến thuật 25-1” của các tài xế
Để Bộ GTVT xử lý lùm xùm BOT Cai Lậy có khách quan?
BOT Cai Lậy: Bộ GTVT quyết không dời trạm, chỉ giảm phí
Tài xế đòi trả lại 100 đồng, BOT Cai Lậy phải xả trạm lần 3
Hình ảnh hỗn loạn tại trạm thu phí BOT Cai Lậy ngày thu phí trở lại
Trạm BOT Cai Lậy mở cửa trở lại: Sáng bình yên, trưa xả trạm
BOT Cai Lậy - Tiền Giang thu phí trở lại, không có “bão tiền lẻ“