Vốn để khởi nghiệp: Không nhất thiết phải nghĩ ngay tới ngân hàng
VOV.VN - Để khởi nghiệp, cần có ít nhất một nửa số vốn từ việc huy động bạn bè, người thân, các mối quan hệ, sau đó mới đến phương án đi vay.
Ngày 5/4, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực đã đưa ra quan điểm này tại Hội thảo “Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo: Nắm bắt thời cơ phát triển”, Bộ kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ibosses Việt Nam và Hiệp hội kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức.
Hội thảo “Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo: Nắm bắt thời cơ phát triển”. |
Một trong những nội dung được các đại biểu đề cập nhiều tại Hội thảo là những khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vừa khởi nghiệp vừa sáng tạo hiện nay là tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Bởi để vay được tiền thì họ cần có dự án khả thi, minh chứng đủ dòng tiền, cần có kế hoạch kinh doanh cụ thể, thời gian để trả lại tiền cho ngân hàng…
Do đó, theo bà Thủy, vai trò của các nguồn quỹ, các nhà đầu tư hiện nay là rất quan trọng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng thừa nhận, khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về vốn, tuy nhiên, không phải cứ cần đến vốn là nghĩ ngay tới ngân hàng.
Mặc dù nguồn vốn là một trong những yếu tố quan trọng của khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, thế nhưng, song hành với đó là các kinh nghiệm về thị trường, khả năng quản trị điều hành doanh nghiệp và đặc biệt là tâm thế sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi khởi nghiệp.
Vì thực tế, các start-up tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, vay được vốn là vô cùng khó khăn, vì bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cần tuân thủ các quy định và cơ chế thị trường.
Đặc biệt, ở Việt Nam, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế diễn ra rất phổ biến. Trong khi đầu tư cho khởi nghiệp thì rủi ro cao, nên khi cho vay mà xảy ra mất vốn thì cả bên vay và bên cho vay đều gặp vấn đề.
Ông Lực dẫn chứng con số khảo sát ở Châu Âu, theo đó, có tới 85% doanh nghiệp khởi nghiệp huy động nguồn vốn của chính mình, người thân và bạn bè, sau đó mới đến các quỹ đầu tư. Theo ông Lực, để khởi nghiệp, cần có ít nhất một nửa số vốn từ việc huy động bạn bè, người thân, các mối quan hệ, sau đó mới đến phương án đi vay. Trong trường hợp “tay không bắt giặc”, đi vay thì rất khó.
Hiện nay, ở Việt Nam đã có khá nhiều quỹ đầu tư cho khởi nghiệp, nhưng đội ngũ khởi nghiệp chưa được chú ý thực sự.
Do đó, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam cần sớm có hành lang pháp lý để cho vay ngang hàng phát triển, đây là kênh huy động vốn tuyệt vời cho khởi nghiệp sáng tạo.
“Cần có một thị trường vốn riêng dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, sớm có các vườn ươm khởi nghiệp, bởi đây là nơi huy động vốn, hỗ trợ doanh nghiệp về hồ sơ chuẩn để huy động vốn, khởi sự kinh doanh”, ông Lực đề xuất./.