DN tư nhân được đối xử bình đẳng sẽ kích thích tinh thần khởi nghiệp
VOV.VN - Nếu doanh nghiệp tư nhân không được đối xử bình đẳng, công bằng từ phía cơ quan quản lý thì sẽ ảnh hưởng tới tinh thần khởi nghiệp của xã hội.
Môi trường kinh doanh vẫn còn "mảng tối"
Khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) mặc dù được coi là quan trọng nhưng phát triển chưa xứng tiềm năng, nguyên nhân là do môi trường kinh doanh vẫn còn khó khăn.
Doanh nghiệp tư nhân mong muốn được đối xử bình đẳng như các thành phần kinh tế khác. (Ảnh minh họa) |
Theo đánh giá của TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, vẫn có nhiều mảng tối, khiếm khuyết, mô hình tăng trưởng đang dần hết dư địa… Do đó, cần tập trung tối đa cho tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển.
“Khu vực kinh tế tư nhân mặc dù được coi là quan trọng nhưng đóng góp thực của doanh nghiệp còn hạn chế và nguyên nhân chủ yếu là do môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế chưa được cải thiện căn bản. Phải quyết liệt trong việc thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, chú ý đến hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh cải thiện động lực tăng trưởng cho kinh tế tư nhân”, ông Tuấn nói.
TS. Bùi Quang Tuấn chỉ rõ: Từ kinh tế thế giới và trong nước cho thấy Việt Nam cần sớm chuyển đổi mô hình tăng trưởng chuyển từ rộng sang sâu, cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho KTTN phát triển.
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân mới đây, bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietjet Air đã nêu một số kiến nghị nhằm phát triển khu vực KTTN và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Bà Hà nhấn mạnh, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay.
Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) mong được sự đối xử bình đẳng, công bằng của cơ quan quản lý và định hướng tuyên truyền khách quan, không để hình ảnh doanh nghiệp tư nhân bị bóp méo ảnh hưởng tới tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, ý chí của những doanh nghiệp tiên phong, bà Hà thẳng thắn nêu quan điểm.
Tạo động lực cho nhóm "đầu tàu" để dẫn dắt
Đề cập đến tiềm lực phát triển của khu vực KTTN, bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH, nhận định thực tế đã chứng minh, trong thời kỳ khủng hoảng khó khăn thì nông nghiệp lại là ngành cứu cánh cho nền kinh tế.
Bà Hương kiến nghị tập trung thực hiện thành công dự án thí điểm hình thành, phát triển một số chuỗi nông - thủy sản thương phẩm giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường mục tiêu, như chuỗi sản phẩm sữa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc, chuỗi tôm xuất khẩu sang Mỹ, Canada, EU, chuỗi rau - củ - quả có chế biến sâu để dần làm chủ các thị trường trọng tâm.
Để thực hiện điều này cần có những kiến nghị cụ thể, như tiến hành phân tích lại các thị trường mục tiêu, trọng tâm cho từng lĩnh vực, nhóm sản phẩm nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị có mục tiêu chinh phục các thị trường này. Từ đó, Việt Nam cần triển khai ngay việc số hóa và hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia ngành nông nghiệp trong năm 2019.
Nhà sáng lập Tập đoàn TH cũng đề xuất nhận diện rõ nét nhóm các DNTN "đầu tàu" trong ngành nông nghiệp, từ đó xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực và phát triển nhóm này để dẫn dắt.
DNTN vẫn chịu thiệt
Nhận định rằng, đầu tư cho nông nghiệp là rủi ro cao, bà Vũ Thị Vân Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietrap đầu tư và thương mại, nêu rõ: Ngoài những vướng mắc, loay hoay của việc tiếp cận vốn từ ngân hàng của khối DNTN, thì việc đầu cho nông nghiệp rủi ro cao với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp còn phải chịu nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, chịu nhiều tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, thị trường sản phẩm không ổn định.
Việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng là vấn đề hết sức khó khăn do doanh nghiệp không thể chứng nhận được tài sản đảm bảo. Ngân hàng thiếu niềm tin đối với doanh nghiệp, đặc biệt là khối DNTN. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải chủ động nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đây là thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp đang có mặt trên thị trường, bà Phương chia sẻ./.