Nhiều học giả Nga trao đổi về kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam
VOV.VN - Hội thảo "Kinh nghiệm đổi mới tại Việt Nam: Lịch sử và hiện tại" vừa được tổ chức tại Moscow, Nga, thu hút nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam và Nga.
Ngày 6/10, tại trụ sở của Viện Viễn Đông ở Moscow, Liên bang Nga, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN tổ chức hội thảo Việt Nam học lần thứ 7 với chủ đề “Kinh nghiệm đổi mới tại Việt Nam: Lịch sử và hiện tại”. Hơn 40 nhà Việt Nam học và các nhà nghiên cứu thuộc các Viện nghiên cứu và Đại học lớn của Nga và nhiều bộ, ngành của Nga và Việt Nam tham dự hội thảo.
Hội thảo gồm 4 phần nội dung chính: “Những cải cách chính trị”; “Những cải cách kinh tế - xã hội”; “Lịch sử” và “Tiếng Việt, văn học, văn hoá và nhân chủng học”. Năm 2016, Việt Nam sẽ kỷ niệm 30 năm thực hiện chiến lược cải cách “Đổi mới”, hội thảo lần này nhằm phân tích và tổng hợp các biến đổi diễn ra trong xã hội Việt Nam suốt những năm 1986-2016.
Các tham luận tại hội thảo đã tập trung phân tích và thảo luận mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, những tác động của chính sách “Đổi mới” đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội Việt Nam, đồng thời khẳng định những thành tựu của quá trình “Đổi mới” đã thay đổi triệt để bộ mặt đất nước, đưa Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và tiến lên mức phát triển trung bình theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc.
Các ý kiến tại hội thảo cũng nhấn mạnh tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tinh thần của hệ thống chính trị Việt Nam và nêu bật ý nghĩa của việc Đại hội lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định tiếp tục kiên trì chính sách “Đổi mới”.
Các đại biểu cũng trao đổi về nhiều vấn đề, như: quan hệ Việt Nam - LB Nga; bảo vệ quyền con người trong Hiến pháp mới của Việt Nam; cải cách và hiện đại hoá giáo dục Việt Nam; bảo vệ các giá trị tinh thần, bản sắc dân tộc và truyền thống văn hoá Việt Nam... ; những thay đổi sâu sắc trong tình hình chính trị quốc tế và những tác động của nó đến chính sách “Đổi mới” của Việt Nam.
Bà Vũ Thuỵ Trang, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga và SNG, Viện nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, các tham luận trình bày tại hội thảo đóng góp rất lớn vào việc tuyên truyền, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam.
GS.TSKH. Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết, chủ đề hội thảo lần này được mở rộng cả về nhân chủng học, thiên nhiên và địa lý; hội thảo thu hút được nhiều sinh viên Nga học tiếng Việt tại các trường đại học ở Nga, tham gia.
Các bài tham luận tại hội thảo sẽ được tập hợp và in thành cuốn Kỷ yếu thứ 7 trong loạt các công trình của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga./.