“Chảo lửa” vùng Vịnh ngày một nóng
VOV.VN - Nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng bày tỏ quan ngại và kêu gọi Mỹ và Iran kiềm chế.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã leo lên một nấc thang mới sau khi hệ thống phòng không Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ hôm 20/06 do xâm phạm không phận. Trong khi Iran tuyên bố sẽ bảo vệ lãnh thổ trước mọi cuộc tấn công, thì Mỹ cũng ngầm cảnh báo, nước này từng hủy vào phút chót một chiến dịch không kích nhằm vào các mục tiêu tại Iran.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên kiềm chế. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng dự kiến họp kín vào đầu tuần tới để thảo luận về vấn đề.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: Common Dreams |
Tổng thống Donald Trump ngày 21/6 cho thấy quyết tâm duy trì “sức ép” tối đa với Iran. Trong một loạt tuyên bố trên Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định, quyết định đáp trả quân sự chống Iran đã từng được đưa ra, song đã được rút lại chỉ 10 phút trước khi tiến hành. Giải thích cho việc rút lại quyết định, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, ông đã đặt câu hỏi bao nhiêu người sẽ phải hi sinh nếu một cuộc tấn công như thế diễn ra. Theo ông, điều này là không đáng để đáp trả vụ tấn công nhằm vào một máy bay không người lái. Ông không vội vàng, bởi quân đội Mỹ luôn sẵn sàng và cho đến nay vẫn là lực lượng tốt nhất thế giới.
“Quân đội Mỹ đã sẵn sàng để tấn công đáp trả và nếu điều này thực sự xảy ra thì chúng ta sẽ không thể quay đầu lại. Tôi muốn biết sẽ có bao nhiêu người chết nếu chiến dịch này xảy ra. Họ nói với tôi là 150 người và tôi quyết định dừng tấn công. Tôi không thích điều đó. Tôi nghĩ nó không đáng”, Tổng thống Trump nói.
Trước đó cùng ngày, New York Times, hãng truyền thông đầu tiên công bố thông tin về cuộc tấn công bị trì hoãn này cho biết, 10 phút trước khi hủy quyết định, tức là lúc 19h30 ngày 20/06 theo giờ Mỹ, các máy bay chiến đấu của Mỹ đã cất cánh và các tàu chiến của Mỹ đã vào vị trí. 3 mục tiêu tấn công đã được xác định, có thể là các trạm radar hoặc bệ phóng tên lửa của Iran.
Cùng ngày, tại cuộc thảo luận với Đại sứ Thụy Sĩ tại Tehran, cơ quan đại diện cho các lợi ích của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho biết, nước này nắm trong tay những bằng chứng không thể chối cãi cho thấy, chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ của Mỹ đã bay vào không phận Iran. Những mảnh vỡ của chiếc máy bay đã được tìm thấy trên vùng biển của Iran. Theo nhà ngoại giao Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo không tìm kiếm chiến tranh song sẽ bảo vệ lãnh thổ của mình chống lại mọi cuộc tấn công.
Cùng ngày, Chỉ huy đơn vị phòng không thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, Chuẩn tướng Amirali Hajizadeh cho biết một máy bay do thám của Mỹ đã xuất hiện gần chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ. Tuy nhiên, phía Iran đã lựa chọn phương án không tấn công chiếc máy bay thứ 2 của Mỹ. Chuẩn tướng Amirali Hajizadeh đồng thời khẳng định các loại tên lửa của Iran đủ tầm bắn tới các căn cứ của Mỹ trong khu vực và các tàu sân bay của nước này tại vùng Vịnh.
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran leo thang, nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên kiềm chế. Hãng thông tấn RIA hôm qua dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov kêu gọi chính quyền Mỹ cân nhắc kỹ đến những hậu quả tiềm tàng trong một cuộc xung đột với Iran.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng trong khu vực: “Tôi muốn tránh leo thang trong khu vực. Chúng ta cần có một chương trình nghị sự với Iran và các đối tác của chúng ta trong khu vực để tìm ra giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng này. Chúng ta cần tiếp tục giám sát các hoạt động hạt nhân của Iran, nhưng cũng phải tránh làm leo thang căng thẳng khiến căng thẳng leo thang. Vì vậy, tôi muốn tất cả các bên giảm loe thang căng thẳng và ngồi vào bàn đàm phán.”
Thủ tướng Đức Angela Merkel thì hối thúc các bên đối thoại, tìm ra giải pháp chính trị cho tình hình căng thẳng hiện nay.
Lo ngại nguy cơ căng thẳng leo thang, sau khi Cơ quan Hàng không dân sự Mỹ quyết định cấm các hãng hàng không Mỹ bay qua eo biển Hormuz và vịnh Oman, một loạt hãng hàng không quốc tế của Anh, Đức, Australia, Nhật Bản, Singapore, Malaysia,... cũng thông báo sẽ tránh tuyến đường bay qua eo biển Hormuz và một số khu vực trên không phận Iran./.