Cà phê sụt giá doanh nghiệp chế biến dè dặt
VOV.VN - Từ đầu tháng 5 đến nay, giá cà phê giảm từ mức 135 triệu đồng/1 tấn xuống 90 triệu đồng/1 tấn. Tại tỉnh Gia Lai, cà phê giảm giá mạnh không gây thiệt hại nhiều với người nông dân, nhưng lại đặt doanh nghiệp vào tình thế dè dặt vì ngại rủi ro.
Hợp Tác xã Nông nghiệp Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai có 150 ha cà phê. Sản lượng niên vụ vừa qua đạt 450 tấn nhân. Ông Nguyễn Tấn Công- Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã cho biết: khi giá lên tới 100 triệu/1 tấn, bà con đã kịp bán ra 80% sản lượng. Số cà phê còn lại cũng đang được bán ra khi thấy giá đảo chiều giảm.
“Giá lên từ đầu mùa, thì chắc chắn bà con được hưởng lợi. Dĩ nhiên, ai cũng muốn bán được giá 130.000 đồng/1kg. Nhưng không bán được 130.000 đồng thì vẫn bán được giá 110.000 đồng, hoặc 90.000 đồng/1kg thì vẫn tốt. Bà con vẫn biết chắc chắn là sẽ có lúc quay giá, chứ không thể mãi cao. Đối với người dân, giá 70.000 đến 80.000 đồng/1kg đã là mong đợi, mơ ước rồi" - ông Nguyễn Tấn Công nói.
Trong khi người trồng đã kịp chốt giá, thì doanh nghiệp chế biến cà phê vừa và nhỏ tại địa phương lại gặp nguy cơ rủi ro. Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm- Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic (TP.Pleiku, Gia Lai) nhận định: giá cà phê tăng cao và giảm sâu trong thời gian ngắn làm thị trường bất ổn. Tuy vậy, vì sức ép của các hợp đồng khiến doanh nghiệp phải nhập hàng để sản xuất. Điều này gây nhiều khó khăn như: vốn đầu tư nguyên liệu có lúc tăng gấp đôi và doanh nghiệp khó điều chỉnh giá theo kịp thị trường.
“Muốn duy trì sản xuất liên tục, thì phải có dự trữ nguồn hàng. Mà lượng dự trữ đó giả sử mua lúc giá cao, nay giá xuống, không thể điều chỉnh ngay được. Với khách hàng lâu dài là phải có thông báo điều chỉnh, không nhanh như giá cà phê trên sàn được. Nhưng đối với người tiêu dùng thì phải thay đổi ngay, thì nhà sản xuất sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều" - ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm đánh giá.
Ông Lương Tiến Việt- chủ một doanh nghiệp cà phê đặc sản ở xã Đăk Tơ Ve, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai dự đoán, cà phê có thể tiếp tục đà giảm giá trong thời gian tới. Vì vậy, để hạn chế rủi ro, doanh nghiệp chỉ mua cầm chừng.
“Các đợt giảm giá liên tiếp mấy ngày liền sau nghỉ lễ, nhưng lượng hàng lại tăng đột biến. Giá lên và xuống thì doanh nghiệp vẫn phải mua. Tuy nhiên, mua và nghe ngóng, mua từ từ, có chọn lọc chứ không mua ào ào. Bởi thị trường biến động quá nhanh và bất thường” - ông Lương Tiến Việt cho biết.
Ông Phạm Văn Binh- Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết, cà phê là nông sản chủ lực, hàng năm đóng góp khoảng 80% giá trị xuất khẩu ở địa phương. Ông Phạm Văn Binh cho rằng, trước biến động của thị trường, doanh nghiệp cần có những giải pháp hạn chế rủi ro, đảm bảo sản xuất, chế biến.
“Đối với doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê cần nắm bắt thông tin thị trường và mua bán ở tương lai gần. Thứ hai, thị trường châu Âu là thị trường lớn về cà phê, đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Cho nên quá trình mua bán, sản xuất cần tính đến sự bền vững, sản xuất xanh. Khuyến cáo các bên tập trung vào chất lượng để đảm bảo xuất khẩu. Với nông dân thì bài học này có nhiều rồi, giá lên thì đầu tư, giá xuống kéo theo lỗ hàng loạt. Cho nên phải sản xuất căn cứ vào kế hoạch, quy hoạch phát triển cây cà phê" - ông Phạm Văn Binh nói.