Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/1
VOV.VN - Công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị một số mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch hôm nay 13/1.
►Nhận định chứng khoán 13/1: VN-Index sẽ thử thách vùng hỗ trợ 1.230 điểm
Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu BCM
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI khuyến nghị khả quan cổ phiếu Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (BCM), giá mục tiêu 83.400 đồng/cổ phiếu dựa trên luận điểm đầu tư:
BCM củng cố vị thế là một trong những chủ đầu tư KCN hàng đầu cả nước. BCM sở hữu tổng cộng 357ha đất có sẵn cho thuê, và có thêm 128ha đất ở và thương mại tại Thành phố mới Bình Dương, thuộc sở hữu 100% của BCM. Hơn nữa, liên doanh VSIP, do BCM nắm giữ 49% cổ phần, dự kiến sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận khi VSIP Cần Thơ, VSIP Bắc Ninh 2, VSIP Nghệ An 2 và VSIP 3 tiếp tục thu hút khách hàng lớn thuê, và khi VSIP Lạng Sơn và KCN Sơn Mỹ 2 bắt đầu hoạt động vào năm 2026.
SSI dự báo lợi nhuận sau thuế của BCM sẽ tăng 35% so với cùng kỳ trong năm 2025, chủ yếu do chuyển nhượng đất tại Thành phố mới Bình Dương và lợi nhuận từ liên doanh VSIP.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FPT
Công ty cổ phần Chứng khoán (SSI) khuyến nghị mua cổ phiếu Công ty cổ phần FPT (FPT), giá mục tiêu 152.500 đồng/cổ phiếu dựa trên luận điểm đầu tư:
Việc ra mắt FPT AI Factory dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng mới; tình hình tài chính khỏe mạnh với lượng tiền mặt dồi dào và tỷ lệ thanh toán lãi vay cao; lợi thế chi phí thấp giúp FPT tiếp tục mở rộng sang thị trường nước ngoài.
SSI ước tính chi phí lương kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam thấp hơn khoảng 15-30% so với các công ty đối thủ đến từ Trung Quốc và Ấn Độ; nợ bằng ngoại tệ chủ yếu được phòng ngừa rủi ro bằng cách phòng ngừa rủi ro trực tiếp và nguồn doanh thu bằng ngoại tệ.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PNJ, MWG và FRT
Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong 11 tháng đầu năm đạt mức 5.822 nghìn tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 8,8%. Trong đó, bán lẻ hàng hóa (tăng 8,1%), lưu trú ăn uống (tăng 13%), du lịch lữ hành (tăng 17,3%) và dịch vụ khác (tăng 9,1%). Sức mua trong nền kinh tế tương tự với tăng trưởng bán lẻ hàng hoá và dịch vụ, có sự hồi phục tuy nhiên tốc độ tương đối chậm. PMI trong 11 tháng đầu năm đều đạt mức tích cực, phần lớn các tháng đều vượt mức 50 cho thấy sự hồi phục sản xuất. Tuy nhiên, chỉ số PMI chững lại trong tháng 11 do ảnh hưởng của hoạt động xuất khẩu.
Các doanh nghiệp ICT&CE phục hồi khiêm tốn trong 11 tháng 2024 nhờ các dòng sản phẩm mới được mở bán và chiến lược tái cấu trúc hiệu quả. Các doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng thiết yếu tăng trưởng vượt bậc. Mảng bách hóa, BHX và Winmart đều đã báo lãi và tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh; Mảng bán lẻ thuốc có sự phân hóa rõ rệt với Long Châu duy trì tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tích cực còn các chuỗi bán lẻ thuốc khác vẫn đang đi tìm điểm hòa vốn. Các doanh nghiệp bán lẻ trang sức đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung vàng nguyên liệu.
Mảng bách hóa được kỳ vọng vào sự chuyển dịch từ kênh tiêu dùng truyền thống như tạp hóa, chợ sang các mô hình hiện đại như siêu thị mini và online. Tương tự với bách hóa, mảng kinh doanh thuốc online cũng chứng kiến xu hướng gia tăng thị phần của các chuỗi nhà thuốc hiện đại. Cuối cùng là mảng bán lẻ trang sức, được kỳ vọng vào câu chuyện tháo gỡ những bất cập trong thị trường vàng bao gồm giải quyết thiếu hụt nguồn cung vàng cho hoạt động sản xuất trang sức và đảm bảo tính minh bạch trong những giao dịch vàng tránh vàng hóa nền kinh tế.
Với triển vọng tăng trưởng dài hạn của từng doanh nghiệp và sự phục hồi tiêu dùng trong năm 2025, nhà đầu tư có thể mở vị thế với các cổ phiếu đang ở mức định giá hấp dẫn như PNJ và MWG còn với FRT nên chờ tích lũy tại những nhịp điều chỉnh của thị trường.