Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 29/1
VOV.VN - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị một số mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch hôm nay 29/1.
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DCM
Công ty Chứng khoán Vietcap (VCSC) cho biết, Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) vừa công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý 4/2023 với doanh thu thuần đạt 3.600 tỷ đồng (-20% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận sau thuế (LNST) sau lợi ích cổ đông thiểu số (CĐTS) đạt 493 tỷ đồng (-51% so với cùng kỳ năm trước). Theo quan điểm của VCSC, LNST sau lợi ích CĐTS giảm so với cùng kỳ chủ yếu do: giá bán urê trung bình ước tính của DCM giảm 37% so với cùng kỳ năm trước; giá khí đầu vào ước tính tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và chi phí quản lý doanh nghiệp (GA) cao hơn 9 lần. VCSC lưu ý, DCM đã ghi nhận chi phí dự phòng quỹ khoa học là 67 tỷ đồng trong quý 4/2023 so với hoàn nhập quỹ khoa học 123 tỷ đồng trong quý 4/2022.
>> Nhận định chứng khoán 29/1: VN-Index sẽ kiểm tra lại khu vực đỉnh quanh 1.190
LNST sau lợi ích CĐTS quý 4/2023 tăng 6,8 lần so với quý trước, chủ yếu do: chi phí khấu hao trong quý 4 là 59 tỷ đồng và thấp hơn so với 320 tỷ đồng trong quý 3; biên lợi nhuận gộp của mảng urê tăng lên 32,1% trong quý 4/2023 so với 10,0% trong quý 3/2023 và lợi nhuận gộp của mảng NPK tăng 5,3 lần so với quý trước (sản lượng bán NPK ước tính tăng 2,6 lần so với quý trước). VCSC cho rằng, biên lợi nhuận gộp của mảng urê tốt hơn trong quý 4/2023 là do DCM quyết toán chi phí khí đầu vào cho năm 2022 và 2023 trong quý 4, giúp giảm giá vốn hàng bán urê quý 4 khoảng 100 tỷ đồng, theo DCM.
Trong năm 2023, DCM ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.600 tỷ đồng (-21% so với cùng kỳ năm trước) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 1.100 tỷ đồng (-74% so với cùng kỳ năm trước), lần lượt hoàn thành 104% và 107% dự báo của VCSC. LNST sau lợi ích CĐTS của DCM cao hơn dự báo của VCSC chủ yếu do chi phí khí đầu vào giảm. Trong khi đó, sản lượng bán urê cao hơn dự kiến bù đắp cho giá bán urê giảm nhẹ và chi phí quản lý doanh nghiệp cao hơn dự kiến. LNST sau lợi ích CĐTS giảm mạnh chủ yếu do: giá bán urê ước tính của DCM giảm 33% so với cùng kỳ năm trước, trong khi sản lượng bán urê ước tính tăng 8% so với cùng kỳ năm trước và chi phí bán hàng và marketing tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (do công ty thực hiện các chiến dịch khuyến mãi cho sản phẩm phân NPK).
VCSC nhận thấy không có thay đổi đáng kể đối với dự báo LNST năm 2024, dù cần thêm đánh giá chi tiết. Giá urê Trung Đông trung bình là 358 USD/tấn (-49% so với cùng kỳ năm trước) trong năm 2023 – phù hợp với dự báo của VCSC là 360 USD/tấn. Ngoài ra, VCSC ước tính giá bán urê của DCM trong năm 2023 là 398 USD/tấn (-35% so với cùng kỳ năm trước) thấp hơn một chút so với dự báo là 410 USD/tấn.
VCSC hiện có khuyến nghị khả quan cho DCM với giá mục tiêu là 33.800 đồng/cổ phiếu.
Khuyến nghị chờ mua dành cho cổ phiếu PDR
Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) khuyến nghị chờ mua đối với cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt. Thông qua giao dịch chuyển nhượng công ty con, PDR đã ghi nhận LNST khoảng 283 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 266 tỷ đồng).
Đến cuối 2023, PDR không còn số dư trái phiếu, tổng nợ vay xấp xỉ 3.100 tỷ đồng, tương ứng D/E xấp xỉ 0,3x, mức thấp nhất trong 10 quý gần nhất.
PDR sẽ triển khai một số dự án pháp lý đầy đủ trong năm 2024. Đặc biệt là Dự án Khu nhà ở phức hợp Thuận An 1 tại Bình Dương với sản phẩm nhà chung cư, phục vụ nhu cầu ở thực. Dự kiến dự án có thể mở bán từ quý II/2024, với pháp lý đầy đủ, cũng như hỗ trợ tài chính đảm bảo từ MBBank (MBB). Nhà đầu tư nên quan sát sự phục hồi rõ nét hơn trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của PDR trước các quyết định giải ngân mới.
Khuyến nghị chờ mua dành cho cổ phiếu VHC
TCBS khuyến nghị chờ mua đối với cổ phiếu VHC của Công ty CP Vĩnh Hoàn. Doanh thu thuần và LNST năm 2023 lần lượt đạt 10.039 tỷ đồng (giảm 24 % so với cùng kỳ) và 897 tỷ đồng (giảm 55 % so với cùng kỳ). Biên lợi nhuận gộp ở mức 14%, giảm so với mức 22% năm 2022 do cả lượng và giá xuất suy giảm. Dựa trên mức nền thấp của năm 2023, kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2024 sẽ có sự cải thiện.
Triển vọng đến từ: nhu cầu nhập khẩu cá tra từ Mỹ tăng khi tồn kho giảm; cá thịt trắng xuất xứ từ Nga bị Mỹ xem xét cấm nhập khẩu và EU áp thuế 13,7% thay vì 0% như trước; nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra tăng cả ở thị trường trong nước và quốc tế.