Nhận định chứng khoán 22/8: Rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao
VOV.VN - Thị trường chứng khoán có thể hồi phục vào đầu phiên và quay trở lại đà giảm vào cuối phiên hôm nay 22/8. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho nên thị trường có thể sẽ còn tiếp tục đà giảm trong ngắn hạn và các nhà đầu tư chưa nên bắt đáy ở thời điểm này hoặc chưa nên mua trung bình giá.
Thị trường sẽ cần thêm thời gian để tích lũy lại trước khi hình thành nhịp tăng mới
Sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần trước, thị trường đã phục hồi trở lại. Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index vẫn chịu áp lực điều chỉnh về quanh vùng giá 1.165 điểm sau đó phục hồi trở lại vùng giá 1.190 điểm. Kết phiên giao dịch ngày 21/8, VN-Index ở mức 1.179,76 điểm, tăng nhẹ 1,77 điểm (+0,15%) so với phiên trước. HNX-Index phục hồi tốt hơn tăng 2,05 điểm (+0,85%) lên 237,97 điểm. Độ rộng trên hai sàn niêm yết vẫn nghiêng về tiêu cực khi mức độ phục hồi kém và áp lực bán vẫn gia tăng ở nhiều mã có tính chất đầu cơ, nhóm bất động sản với tổng cộng có 376 mã giảm giá (18 mã giảm sàn), 297 mã tăng giá (11 mã tăng trần), và 101 mã giữ giá tham chiếu. Thanh khoản trên hai sàn niêm yết trong phiên đạt 24.230,95 tỉ đồng được giao dịch, giảm khá mạnh, nhung vẫn duy trì trên mức trung bình. Mức độ phục hồi kém ở nhiều mã với thanh khoản suy giảm.
Các cổ phiếu ngân hàng là nhóm phục hồi tốt nhất sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần trước nổi bật như LPB (+6,30%) thanh khoản gia tăng đột biến, đa số còn lại phục hồi với thanh khoản giảm mạnh so với phiên trước như CTG (+4,23%), BID (+3,17%), TPB (+2,21%)... ngoài các mã chịu áp lực bán với SSB (-3,10%), NVB (-1,38%), VAB (-1,27%)... Nhóm cổ phiếu dầu khí đa số cũng phục hồi trở lại nhưng với thanh khoản dưới mức trung bình. Trong khí đó, nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán phân hóa hơn nhiều mã tiếp tục chịu áp lực bán với thanh khoản trên mức trung bình như VIX (-3,24%), VFS (-2,24%), AGR (-1,96%), BSI (-1,80%)... bên cạnh các mã phục hồi với APS (+9,52%), SHS (+3,31%), BVS (+2,86%), VND (+2,25%)...
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong ngắn hạn thị trường cần có nhịp điều chỉnh và sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần trước và có thể đà rơi của VN-Index chưa kết thúc. Xu hướng tăng trung hạn của thị trường vẫn được duy trì nhưng thị trường sẽ cần thêm thời gian để tích lũy lại trước khi hình thành nhịp tăng mới. Vùng hỗ trợ trung hạn của chỉ số là 1.125 điểm – 1.150 điểm, mục tiêu của VN-Index vẫn là 1.250 điểm - 1.300 điểm.
“Thị trường trong ngắn hạn đang trong vùng điều chỉnh và khó lường, các nhà đầu tư ngắn hạn nên tận dụng các nhịp hồi phục để giảm tỷ trọng và chờ thêm diễn biến thị trường tại các vùng hỗ trợ trước khi quyết định giải ngân mới. Nhà đầu tư trung, dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại”, chuyên gia của SHS lưu ý.
Rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao
Còn theo nhóm phân tích của Công Ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), thị trường có thể hồi phục vào đầu phiên và quay trở lại đà giảm vào cuối phiên hôm nay 22/8. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho nên thị trường có thể sẽ còn tiếp tục đà giảm trong ngắn hạn và các nhà đầu tư chưa nên bắt đáy ở thời điểm này hoặc chưa nên mua trung bình giá. Điểm tích cực trong phiên 21/8 là chỉ số VN-Index đã thử thách vùng hỗ trợ 1.160 điểm và đường trung bình 50 phiên, dấu hiệu tích cực cho vùng hỗ trợ quan trọng. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm về vùng bi quan quá mức, nhưng thị trường vẫn chưa có vùng mua phù hợp ở giai đoạn hiện tại.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư chưa nên mua vào giai đoạn này và nên ưu tiên chiến lược hạ tỷ trọng cổ phiếu trong nhịp hồi. Trong trường hợp, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm mạnh về vùng hỗ trợ 1.160 điểm thì các nhà đầu tư có thể dừng bán”, chuyên gia của YSVN nhận định.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) đánh giá, về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đóng cửa hình thành nến spinning top tăng điểm nhẹ tại vùng 1.180 điểm, cho thấy sự giằng co giữa phe bán và phe mua. Mặt khác diễn biến này, kết hợp cùng với khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh so với phiên liền trước, cũng thể hiện sự lưỡng lự của dòng tiền bắt đáy cũng như tâm lý nuối tiếc của nhà đầu tư. Chỉ báo RSI cũng giảm khá mạnh và chưa cho tín hiệu đảo chiều. Vùng 1.180 điểm hiện tại vẫn là vùng hỗ trợ mềm và ở kịch bản tiêu cực thì chỉ số hoàn toàn có thể phá vỡ ngưỡng hỗ trợ này, trong khi ở kịch bản tích cực hơn thì chỉ số sẽ thu hẹp biên độ dao động và tích lũy ở vùng điểm số này trong một số phiên trước khi xuất hiện xu hướng mới.
“Nhà đầu tư nên hạ tỷ lệ margin, đồng thời có thể cơ cấu danh mục theo hướng phân loại các cổ phiếu trong danh mục thành ba nhóm để xử lý: Hạ tỷ trọng đối với những các cổ phiếu đã giảm mạnh trong phiên liền trước và chưa có tín hiệu hồi phục lại trong phiên 21/8; Tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu vẫn duy trì nhịp tăng tích cực trong phiên liền trước và phiên 21/8; và hạ margin, theo dõi thêm với các cổ phiếu đã giảm điểm trong phiên hôm trước nhưng có tín hiệu hồi phục tích cực trong phiên 21/8. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể chú ý thêm những cổ phiếu đang ở vùng nền giá tích lũy và giá không biến động nhiều trong thời gian vừa qua (đang tạo nền tích lũy) để tìm kiếm cơ hội giải ngân khi thị trường ổn định trở lại trong thời gian tới”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị.