Nhận định chứng khoán 6/1: Nhà đầu tư cần thận trọng, hạn chế mua thêm
VOV.VN - Tín hiệu tiêu cực trở nên lấn át hơn sau phiên giảm điểm 3/1 khi VN-Index xuyên thủng đường MA200 ngày với thanh khoản gia tăng đáng kể. Đây là một tín hiệu khá xấu cho thấy xu hướng tăng điểm trước đó có khả năng bị đảo ngược.
Nhà đầu tư cần thận trọng, hạn chế mua thêm
“Vạn sự khởi đầu nan”, thị trường chứng khoán khép lại tuần chuyển tiếp năm 2025 không mấy suôn sẻ khi áp lực bán kéo tụt nhà đầu tư “trở lại mặt đất”. Dù chỉ giao dịch 4 phiên trong tuần qua nhưng chỉ số VN-Index đã đánh mất hơn 20 điểm, trong đó có 3 phiên giảm điểm và duy nhất 1 phiên kết phiên trong sắc xanh. Điểm nhấn chính trong tuần qua là sự thiếu hụt của thanh khoản. Lực cầu yếu khiến áp lực bán gần như áp đảo hoàn toàn và như một sự dồn nén thị trường lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần. Trạng thái giằng co bị phá vỡ khi bên bán mất dần kiên nhẫn, blue-chips và loạt cổ phiếu ngân hàng gây sức ép lớn lên thị trường khiến chỉ số lao dốc mạnh. Chỉ số VN30 sụt giảm hơn 26 điểm trong tuần qua, với sức ép từ các cổ phiếu lớn điểm số mất nhiều khiến các cổ phiếu vừa và nhỏ rất khó để đi ngược dòng. Đóng cửa tuần giao dịch từ 30/12/2024 - 3/1/2025, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.254,59 điểm, giảm 20,55 điểm (-1,61%).
Sự thận trọng kéo thanh khoản tuần qua sụt giảm mạnh. Thanh khoản khớp lệnh thị trường chỉ tương đương 63.8% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản giao dịch bình quân trên sàn HSX đạt 459 triệu cổ phiếu (-22,14%), tương đương 11.883 tỷ đồng (-19,99%) về giá trị giao dịch.
Độ mở thị trường chìm sâu trong sắc đỏ với 20/21 nhóm ngành điều chỉnh. Gây áp lực lớn lên thị trường và tâm lý giao dịch trong tuần qua là các nhóm ngành như: Bảo hiểm (-4,12%), Hàng tiêu dùng (-3,80%), Chứng khoán (-3,41%), Thủy sản (-3,09%),... Ở chiều ngược lại, Nhựa (+1%) là nhóm ngành duy nhất ngược dòng thành công.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), VN-Index có phiên giảm điểm khá sâu trong ngày giao dịch thứ 2 của năm mới 2025. Áp lực bán trải rộng ra nhiều nhóm ngành và càng giao dịch càng tiêu cực với mức đóng cửa thấp nhất phiên. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh trong phiên 3/1, vượt qua 3 phiên trước và tăng (+3,3%) so với mức trung bình 20 phiên. Tín hiệu tiêu cực trở nên lấn át hơn sau phiên giảm điểm 3/1 khi VN-Index xuyên thủng đường MA200 ngày với thanh khoản gia tăng đáng kể. Đây là một tín hiệu khá xấu cho thấy xu hướng tăng điểm trước đó có khả năng bị đảo ngược.
“Ở thời điểm hiện tại, các vị thế khuyến nghị mua của chúng tôi ở mốc hỗ trợ 1.260 điểm bắt đầu đối diện với mức độ rủi ro, nên nhà đầu tư cần thận trọng, hạn chế việc mua thêm. Khối lượng khớp lệnh phiên 3/1 dù vượt qua mức trung bình 20 phiên, nhưng chưa phải là tín hiệu báo động khi vẫn thấp hơn 2 phiên bùng nổ trước đó. Vì vậy, nhà đầu tư không cần vội vàng bán tháo sau phiên 3/1 và chỉ căn bán dần, giảm bớt tỷ trọng ở các mã cổ phiếu vi phạm ngưỡng quản trị rủi ro khi thị trường có diễn biến xấu trong các phiên tới. Nhịp chỉnh có thể đưa VN-Index về vùng hỗ trợ quanh mốc 1.248 điểm trong phiên tới”, chuyên gia của CSI nhận định.
Nhà đầu tư cần chờ đợi thị trường kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.255
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), thị trường đóng cửa với cây nến đỏ thân dài đi kèm với khối lượng giao dịch tăng so với những phiên gần đây cho thấy áp lực bán trong phiên hôm nay đang khá mạnh. Về vĩ mô, chỉ số DXY tăng vọt lên mức đỉnh mới trên 109 điểm, gây áp lực lên tỷ giá trong nước. Tỷ giá bán ra của Vietcombank (VCB) ngày 3/1 vẫn duy trì quanh mức 25.500 VND/USD. Trước tình hình đó, SBV có những động thái hút ròng mạnh mẽ, khi trong tuần qua ghi nhận tổng mức hút ròng đạt hơn 46 nghìn tỷ đồng chỉ tính riêng qua kênh tín phiếu (T-bill). Trên thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên điều chỉnh nhẹ đầu năm. Theo đó, thị trường có thể tiếp tục rung lắc trong những phiên tới.
“Nhà đầu tư cần chờ đợi thị trường kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.255 là vùng hội tụ nhiều yếu tố kỹ thuật quan trọng. Các yếu tố vĩ mô đang có xu hướng dần ổn định hơn trong ngắn và trung hạn, tuy nhiên, nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát các chỉ số vĩ mô trên và chỉ giải ngân mạnh tay hơn khi xu hướng đã hình thành rõ ràng đối với tỷ giá, thanh khoản thị trường và triển vọng tăng trưởng kinh tế, đồng thời theo dõi sát sao diễn biến thị trường toàn cầu đề phòng những phiên dao động mạnh mẽ của TTCK Mỹ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của TTCK Việt Nam do hai thị trường có độ tương quan cao”, chuyên gia của ASEANSC lưu ý.
Trong dài hạn, DXY giảm vẫn sẽ là xu hướng tất yếu trong môi trường nới lỏng chính sách tiền tệ, dòng vốn vẫn sẽ dần quay trở lại thị trường đầu tư mới nổi và tiềm năng cao như Việt Nam. Chuyên gia của ASEANSC đánh giá cao triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn với các điều kiện tích cực hỗ trợ thị trường trong năm 2025 và các tiềm năng tăng trưởng của nội tại nền kinh tế.
“Nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh tích cực và tăng trưởng mạnh mẽ đồng pha cùng sự phát triển của nền kinh tế”, chuyên gia của ASEANSC lưu ý thêm.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, VN-Index sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ đường MA50, tương ứng vùng 1.248-1.253 điểm. Chỉ số có thể sẽ tiếp tục tích lũy trên vùng hỗ trợ này trước khi bước vào mùa công bố KQKD quý 4 của các doanh nghiệp niêm yết. Thị trường sẽ bắt đầu tập trung sự quan tâm đối với thông tin KQKD quý 4 và dòng tiền có thể sẽ có xu hướng dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu được dự báo có triển vọng KQKD quý 4 tích cực để tìm kiếm lợi nhuận.
“Nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì trạng thái nắm giữ cổ phiếu hoặc có thể xem xét mở vị thế mua trading khi VN-Index kiểm định vùng hỗ trợ 1.248-1.253 điểm. Tập trung vào cổ phiếu thuộc các ngành có dự báo KQKD quý 4 tăng trưởng tích cực như: khu công nghiệp, thủy sản, dệt may, hàng tiêu dùng, bán lẻ, cảng biển, cảng hàng không, bất động sản…”, chuyên gia của BVSC khuyến nghị.
►Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/1