Giá rau xanh tại chợ tăng mạnh, người dân “vét sạch” rau, thịt tại các siêu thị
VOV.VN - Sáng nay (11/9), thời tiết tại Hà Nội tiếp tục có mưa. Các chợ dân sinh của Hà Nội mở cửa bình thường, đã không còn tình trạng “cháy hàng sớm” như hôm qua. Tuy nhiên, tại nhiều siêu thị, tình trạng hết hàng cục bộ tiếp tục diễn ra do người tiêu dùng lựa chọn vào siêu thị để mua hàng, do các siêu thị thường giữ mức giá bình ổn.
Giá rau xanh tại chợ dân sinh tăng gấp đôi
Theo khảo sát của phóng viên Báo điện tử VOV sáng 11/9 tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội như: chợ Vĩnh Tuy, chợ 8/3, chợ Hôm – Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), chợ Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), chợ Thổ Quan, Ngô Sĩ Liên (quận Đống Đa)… thực phẩm tươi sống, rau củ khá đa dạng, không ghi nhận sức mua đột biến. Thịt lợn, cá tươi, tôm giá bán tương đương ngày thường. Thịt ba chỉ, vai giòn có giá 140.000 đồng/kg, xương sườn 120.000 đồng/kg, nạc vai 130.000 đồng/kg, lưỡi lợn 150.000 đồng/kg. Cá trắm, cá chép có giá 65.000 – 75.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, với riêng rau xanh, đặc biệt là rau ăn lá giá tăng mạnh. Cụ thể: rau muống có giá 20.000 – 25/000 đồng/mớ, rau ngót, mùng tơi 18.000 – 22.000 đồng/mớ. Tại nhiều quầy bán rau, số lượng củ quả (cà rốt, khoai tây, bí xanh...) nhiều hơn so với rau xanh.
Chị Nguyễn Mai, tiểu thương bán rau tại chợ Vĩnh Tuy cho biết, do ảnh hưởng của mưa bão nên nhiều khu vực trồng rau bị ngập khiến rau xanh hư hỏng nặng, số lượng rau xanh tại chợ đầu mối cũng giảm so với trước. Bên cạnh đó, trời mưa, việc bảo quản, vận chuyển rau xanh vất vả, dễ dập nát so với mặt hàng củ quả.
“Rau xanh dễ dập hỏng khi gặp mưa, nguồn cung rau cũng không đa dạng như ngày thường. Giá rau nhập vào tăng nên tôi bắt buộc phải bán ra với giá cao hơn bình thường”, chị Hương cho biết.
Gạt những giọt nước mưa chảy trên mặt, chị Thúy (ở Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng) cho biết, trưa qua, chị đi chợ nhưng không mua được lạng thịt nào mang về, mấy loại rau nhà chị thường ăn cũng không hàng nào còn, vào siêu thị cũng không mua được thịt lợn, nên đành mua thịt bò về chế biến.
“Nay tôi sợ chợ hết đồ nên phải đi từ 8h sáng. Ra đến chợ thì thịt cá, rau củ còn nhiều nhưng đắt. Thịt lợn thì giá vẫn vậy nhưng quầy hàng quen tôi hay mua đã hết sạch thịt ba chỉ, nạc vai nên tôi phải sang hàng khác để mua nhưng không được ngon. Rau muống 20.000 đồng/bó, cà chua cũng 40.000 đồng/kg. Sợ mấy hôm tới mưa ngập đi lại khó nên tôi cũng tranh thủ mua đồ ăn cho 2-3 ngày tới. Giá rau đắt hơn hẳn bình thường, thậm chí đắt gấp đôi nhưng vẫn phải mua vì là đồ mình ăn hàng ngày”, chị Thúy nói.
Tại khu vực chợ Xốm (quận Hà Đông), bí đỏ, bí xanh, khoai tây được nhiều người lựa chọn vì bảo quản được dài ngày hơn rau lá. Giá bí đỏ khoảng 25.000 đồng/kg; bí xanh 30.000-35.000 đồng/kg; hành tây 15.000 - 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá các loại rau lá cũng giữ ở mức cao, cải ngọt, mùng tơi, dền 15.000- 17.000 đồng/mớ; rau muống 15.000- 20.000 đồng/mớ. Rau xanh tại các chợ dân sinh không nhiều chủng loại và tươi ngon như trước bão nhưng số lượng khá nhiều.
Trong sáng nay, lạc và các loại rau củ quả như bí xanh, bí đỏ, khoai tây, hành tây, cà tím, su su... được người dân mua nhiều. Giá thịt gà, thịt bò và thủy hải sản ổn định nhưng lượng mua không nhiều.
Không chỉ thực phẩm tươi sống, nhu cầu thực phẩm khô như gạo, mì tôm, thịt hộp, cá khô… hay bếp gas mini và bếp cồn của người dân cũng tăng mạnh. Chị Nguyễn Việt Linh, một tiểu thương bán hàng online ở Minh Khai cho biết, 2 hôm nay, nhu cầu mua bếp gas mini và bếp cồn tăng đột biến nên bên cạnh thực phẩm, chị nhập thêm bếp gas, bếp cồn, bình gas mini về bán.
“Do lo ngại mưa ngập sẽ mất điện nên nhiều người mua bếp gas mini và bếp cồn. Tôi đăng bài mà lượng mua tăng đột biến, tôi phải nhập thêm hàng về bán mà vẫn chưa trả đủ đơn của khách, phải hẹn sang mai ship”, chị Linh chia sẻ.
Nhiều siêu thị “cháy hàng”
Trái với cảnh thưa vắng ở các chợ dân sinh, đến trưa nay 11/9, nhiều quầy kệ của siêu thị ở một số khu vực tại TP.Hà Nội hết hàng cục bộ do người dân có hiện tượng đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Tại Winmart và Winmart+ Minh Khai, TTMart và nhiều cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận tình trạng kệ hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn trống trơn. Gian hàng rau xanh cũng thiếu hụt.
Theo nhiều người tiêu dùng, giá thực phẩm ngoài chợ tăng cao do chịu tác động của hoàn lưu sau bão, vì vậy, người tiêu dùng lựa chọn vào siêu thị để mua hàng, bởi các siêu thị thường giữ mức giá bình ổn.
“Mấy hôm nay mưa ngập nên giá cả ở chợ đều tăng, nhất là rau củ, nên tranh thủ buổi trưa nghỉ làm, tôi vào siêu thị mua để giá cả bình ổn, nhưng vào thì chả còn gì để mua, rau còn sót lại thì cũng toàn dập nát, không ăn được”, chị Minh than thở.
Các mặt hàng được chọn mua nhiều nhất là thực phẩm, rau xanh, thịt lợn, thịt bò, cá,… Các dãy xe đẩy xếp hàng dài chờ thanh toán. Hàng hóa cũng được nhân viên liên tục đưa ra quầy. Tuy nhiên, do lượng người đổ về siêu thị liên tục và khá đông, nên tại nhiều quầy hàng rau xanh, thực phẩm ghi nhận tình trạng hết hàng cục bộ. Giá cả các mặt hàng được niêm yết công khai, không có tình trạng tăng giá.
Tính đến 11h sáng nay 11/9, theo ghi nhận báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hệ thống bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản được đảm bảo để phục vụ người dân. Một số điểm bán trên địa bàn nằm trong khu vực ngập úng dẫn đến công tác vận chuyển hàng hóa chậm hơn so với thông thường do phương tiện vận chuyển được điều chuyển đến các tỉnh ảnh hưởng nặng nề của Bão. Các mặt hàng rau, củ, quả có tăng do mưa, ngập khiến rau bị hỏng và khó khăn trong công tác thu hoạch và vận chuyển. Tuy nhiên, các mặt hàng này đã được chủ động điều chuyển từ nguồn hàng các tỉnh phía Nam để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân sau bão và hoàn lưu bão số 3, Sở Công Thương đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị kinh doanh thương mại, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ, doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn sớm xử lý các sự cố xung quanh khu vực bán hàng, tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa được thông suốt, an toàn, kịp thời.