Đấu thầu vàng miếng, giá vàng biến động như thế nào?
VOV.VN - Thực tế cách đây 11 cho thấy, sau các phiên đấu thầu vàng, giá vàng trong năm 2013 giảm dần và không còn các đợt sốt giá như những năm trước đó.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đang hoàn tất công tác chuẩn bị đấu thầu vàng miếng trong tuần này để tăng cung cho thị trường và thu hẹp khoảng cách với giá thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.
Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013, NHNN mới tổ chức lại các phiên đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường trong bối cảnh giá vàng đang không ngừng leo thang.
Dự kiến, NHNN sẽ gửi thông báo đấu thầu trước một ngày đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị có 30 phút để quyết định khối lượng và giá mua. Một tiếng sau khi đóng thầu, NHNN sẽ công bố kết quả. Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu.
Đấu thầu vàng đã hạ sốt giá như thế nào?
Thị trường vàng trong nước giai đoạn 2011 - 2012 có nhiều biến động. Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được NHNN tổ chức năm 2023; và trong năm này, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng, với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.000 lượng (tương đương gần 70 tấn vàng) trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu.
Trên thực tế, thị trường vàng trong nước năm 2011 và 2012 có nhiều điểm tương đồng với hiện tại bởi giá vàng khi đó liên tục đảo chiều với biên độ lớn, tạo ra những cú sốc giá. Đỉnh điểm, vào tháng 8/2011, giá vàng tăng lên 49 triệu đồng/lượng, tăng hơn 12 triệu đồng/lượng so với đầu năm 2011.
Sang năm 2012, thị trường vàng tiếp tục trải qua mấy đợt sốt giá. Bất chấp giá vàng thế giới hạ nhiệt, giá vàng trong nước vẫn không ngừng tăng, kéo theo dòng tiền ồ ạt đổ vào kênh đầu tư này.
Sau các phiên đấu thầu vàng, giá vàng trong năm 2013 giảm dần và không còn các đợt sốt giá như những năm trước đó. Giá vàng SJC cao nhất ở mức 46,74 triệu đồng/lượng vào đầu năm 2013 và giảm dần còn 34,78 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2013, tương đương mức giảm gần 12 triệu đồng/lượng trong vòng 1 năm.
Vàng đang "sốt", các nhà đầu tư không nên nóng vội
Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, cần loại bỏ thương hiệu vàng quốc gia SJC để có thể tạo ra thị trường vàng cạnh tranh, công bằng hơn với tất cả các sản phẩm khác.
Cùng với đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, NHNN giao việc nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh vàng uy tín và rút lui về vai trò quản lý chứ không phải nhà nhập khẩu vàng. “Việc giao cho cho các doanh nghiệp cũng phải đi kèm với các áp đặt cho mỗi nhà kinh doanh vàng, ngân hàng nhà nước vẫn sẽ kiểm soát được lượng ngoại tệ bỏ ra để mua vàng. Việc giao nhiệm vụ này sẽ tạo ra được nguồn cung trên thị trường dồi dào và ổn định hơn”, ông Hiếu nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm: Nếu giá vàng cứ tiếp tục tăng như hiện nay, tới một lúc nào đó, bong bóng sẽ vỡ ra. Bong bóng vỡ khi giá vàng tăng quá cao, bắt đầu ở điểm dừng ở lúc vàng lên một mức mà người ta không thể mua được nữa, thì thị trường vàng sẽ sụt giảm một cách nhanh chóng.
“Tuy nhiên, để nói thị trường vàng có thể bong bóng không thì khó có thể nói trước được. Bởi giá vàng thế giới đang tăng rất nhanh nên giá vàng trong nước cũng sẽ bị tác động. Liệu giá vàng thế giới đang trong vạch bong bóng hay không thì cũng chưa có câu trả lời chắc chắn được, bởi nhu cầu vàng trên thế giới đang rất lớn”, TS. Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ.
Do đó, vị chuyên gia này lưu ý, trong lúc giá vàng đang rất “sốt” như hiện nay, các nhà đầu tư không nên nóng vội, bỏ hết vốn vào vàng. Đồng thời, nhà đầu tư nên theo dõi kỹ lưỡng thông tin từ các kênh, các tuyên bố, động thái của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các diễn biến mới nhất từ thị trường trong và ngoài nước.