Phòng chống bão số 3, Hà Nội và các địa phương không lo thiếu hàng hóa
VOV.VN - Một số chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi và trung tâm thương mại đã có hiện tượng thiếu nguồn cung hàng hóa cục bộ, song tình trạng này sẽ sớm được khắc phục, đảm bảo nhu cầu của người dân.
Thị trường hàng hóa tiêu dùng có biến động từ 6/9, khi khu vực Hà Nội bắt đầu chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 (tên quốc tế là bão Yagi). Lúc14h30 trên địa bàn xuất hiện mưa lớn kèm theo gió mạnh. Vào dịp cuối tuần nên thời tiết cực đoan do bão đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động đi lại cũng như mua sắm của người dân.
Đặc biệt, theo dõi thông tin của cơn bão, nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của người dân Hà Nội tăng đột biến, có lẽ bởi tâm lý cần tích trữ thực phẩm, lo thiếu hụt hàng hóa khan hiếm và giá cả tăng cao khiến một số chợ dân sinh, trung tâm thương mại tái hiện tình trạng thiếu thực phẩm cục bộ.
Thiếu hụt hàng hóa chỉ là cục bộ
Trên mạng xã hội, nhiều người tiêu dùng cho biết, tại các siêu thị, chợ thực phẩm online xuất hiện thông tin thiếu rau, thịt,… và chưa biết khi nào mới có trở lại. Song, đây chỉ là tình trạng thiếu hụt cục bộ, vài ngày nữa bão qua đi thì thị trường sẽ trở lại trạng thái bình thường.
Ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VOV, chiều 6/9, tại một số chợ dân sinh khu vực nội thành Hà Nội và vùng ven cho thấy, nhu cầu mua thực phẩm, lương thực và các mặt hàng thiết yếu có gia tăng. Bất chấp trời mưa và tình trạng tắc đường, các chợ dân sinh vẫn tấp nập người mua kẻ bán.
Tại chợ Ngọc Hà (phường Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) chiều 6/9, lượng thực phẩm nhìn chung vẫn đảm bảo cho nhu cầu của người dân. Các tiểu thương cho biết, thường vào dịp cuối tuần nhu cầu mua có tăng lên, nhưng tâm lý phòng chống bão nên lượng mua có tăng hơn so với những thời điểm trước.
Chị Phương Hoa, bán thịt tại chợ Ngọc Hà cho biết, cùng thời điểm tuần trước, quầy của chị bán được 90 kg thịt lợn, nhưng từ sáng nay người mua và sức mua tăng thêm, nên đã bán được 150kg. “Giá bán không thay đổi và người mua cũng dễ mua hơn vì còn vội về tránh mưa bão. Về nguồn cung sẽ luôn đảm bảo nên người tiêu dùng yên tâm, không phải lo mua tích trữ dài ngày, tránh để thị trường biến động tạo ra những cơn sốt hàng hóa giả tạo gây thiệt hại tới cả người bán và người mua”, chị Hoa khuyến cáo.
Theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối (Saigon Coop, BRG mart, Wincommerce, Central Retail, Mega Market, Lotte mart, Aeon mart...) lượng khách đến mua hàng từ tối 5/9/2024 có tăng, nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng tốt nhu cầu.
Phương án điều nguồn hàng từ các địa phương lân cận
Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ với cường độ mạnh, để chủ động ứng phó với các tác động của cơn bão số 3, Bộ Công Thương đã ban hành Công điện số 6751/CĐ-BCT về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 năm 2024, trong đó đã chỉ đạo các Sở Công Thương các địa phương có ảnh hưởng của bão thực hiện các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu.
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phướng án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.
“Trong trường hợp thiên tai kéo dài trên diện rộng, địa phương đã huy động hết nguồn hàng dự trữ tại địa phương nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, địa phương sẽ đề xuất hoặc huy động từ các nguồn, các đơn vị trong và ngoài tỉnh để bảo đảm ứng cứu kịp thời”, Bộ Công Thương chỉ đạo.
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân khi mưa bão lớn, các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước. Bên cạnh đó, hệ thống các siêu thị tại các khu vực có ảnh hưởng của bão số 3 đã có phương án điều nguồn hàng từ các địa phương lân cận về các điểm bán hàng trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có phương án bảo đảm an toàn, chuẩn bị ứng phó khi bão đến; tăng cường hoạt động bán hàng trực tuyến, hỗ trợ giao hàng nhanh; giữ thông tin chặt chẽ với chính quyền địa phương và Bộ Công Thương; thiết lập các đội ứng phó khẩn cấp...
Ngăn chặn kịp thời hành vi đầu cơ, găm hàng
Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương một số địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão (như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn...), để chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ, đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm, vật tư thiết yếu cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, Sở Công Thương các địa phương ban hành văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn trên địa bàn báo cáo về khả năng dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu để kịp thời huy động, cung cấp cho người dân khi có yêu cầu.
Các mặt hàng được dự trữ là các hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mỳ ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu và các mặt hàng khác có nhu cầu cao trong mùa bão lũ (tấm lợp, dây thép, đinh vít, thuốc trị bệnh…), đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân vùng thiên tai. Các mặt hàng này được dự trữ tại kho hàng của tổ chức, DN tham gia dự trữ hàng hóa và sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu. Khối lượng hàng hóa nhu yếu phẩm dự trữ ước tính đáp ứng từ 5-10 ngày sử dụng (tùy thuộc tình hình, khả năng và đặc thù của địa phương).
Đến nay, qua báo cáo sơ bộ của các Sở Công Thương và các doanh nghiệp phân phối, tình hình thị trường hàng hóa tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 cơ bản vẫn ổn định, sức mua các hàng hóa thực phẩm tươi sống và mỳ gói, nước uống có tăng nhưng nguồn cung vẫn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu. Theo nhận định của Sở Công Thương các địa phương, nguồn cung hàng hóa thiết yếu sẽ được bảo đảm và cung ứng đủ cho người tiêu dùng trước, trong và sau bão.
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, hiện lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 đang tăng cường triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi khi nhu cầu hàng hóa tăng cao, gây bất ổn thị trường.