Sơn La "gỡ khó" để phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn

VOV.VN - Sản lượng 182 nghìn tấn quả các loại của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 đã cơ bản tiêu thụ thuận lợi nhờ các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn.

Tỉnh Sơn La đến nay đã phát triển được 250 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; trong đó có hơn 30 chuỗi rau; 160 chuỗi quả an toàn trên diện tích gần 3.700 ha, sản lượng mỗi năm 45.500 tấn, bao gồm các loại quả xoài, nhãn, mận, chanh leo, bơ, cam, bưởi, dâu tây, thanh long…

Nhờ chú trọng phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn mà sản lượng hơn 182 nghìn tấn quả các loại của địa phương trong 6 tháng đầu năm nay cơ bản đã tiêu thụ thuận lợi.

 

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La cho biết, hiện việc phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn ở tỉnh đang gặp một số khó khăn, vướng mắc; đơn vị đang tích cực tham mưu với các cấp, ngành vào cuộc tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia chuỗi đảm bảo thuận lợi.

"Nghị định 27 của Chính phủ có nêu là giao cho HĐND tỉnh quy định trình tự hồ sơ, mẫu thủ tục để thực hiện các chuỗi. Tuy nhiên lại không giao HĐND tỉnh quy định về định mức cho 1 dự án. Cho nên khi trình ban hành Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh Sơn La thì không đưa vào được. Hiện nay Nghị định 38 của Chính phủ đã sửa đổi định mức là do HĐND tỉnh quy định. Vì vậy hiện Sở chúng tôi đang tham mưu để trình Nghị quyết sửa đổi, hoặc thay thế Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh; trong đó có quy định là các chuỗi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia tối đa không quá 10 triệu đồng; các chương trình thực hiện theo nhiệm vụ tối đa không quá 5 triệu; còn hỗ trợ theo cộng đồng thì Nghị định 27 đã quy định không quá 3 triệu đồng. Như vậy các huyện và các chủ đầu tư sẽ có căn cứ này để triển khai thực hiện", ông Huệ nói.

 

Chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn là việc liên kết kiểm soát tất cả các khâu từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm, bao gồm từ trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến thu gom, sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm... Tất cả các công đoạn đều áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm toàn bộ chuỗi, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có cam kết về đảm bảo an toàn…, qua đó, giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng sản phẩm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên