Sức mua hàng Tết ở Đà Nẵng tăng
VOV.VN - Thời điểm này, tại các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống ở thành phố Đà Nẵng, sức mua các mặt hàng Tết tăng hơn so với dịp Tết năm ngoái. Các đơn vị đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.
Thời điểm này, lượng khách mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống ở thành phố Đà Nẵng ngày càng đông đúc hơn. Các đơn vị, doanh nghiệp phân phối, bán lẻ bổ sung hàng hóa bảo đảm nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân.
Chị Trương Thị Thanh Nga, ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, năm nay hàng hoá Tết đa dạng và phong phú, giá cả bình ổn, người tiêu dùng yên tâm: “Hàng hoá Tết nhiều, có nhiều chương trình khuyến mại. Bây giờ lo đi mua sắm dần để chuẩn bị Tết. Năm nay tôi dự kiến mua sắm hàng Tết nhiều hơn mọi năm vì kinh tế ổn định hơn.”
Đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết Giáp Thìn, nhiều đơn vị sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tăng lượng hàng cung ứng. Hợp tác xã Nông sản sạch Đô 37 ở phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng là đơn vị chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản như bột ngũ cốc, bánh dinh dưỡng, các loại hạt và trái cây sấy, bánh dừa nướng.
Bà Nguyễn Thị Oanh, Giám đốc Hợp tác xã này cho biết: Dịp Tết, Hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 3 tấn sản phẩm, tăng khoảng 30% so với năm trước: “Giá cả luôn giữ bình ổn cho khách hàng, lượng hàng của chúng tôi bán ra trong dịp Tết này tăng đột biến so với các tháng trước, lượng mua tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái nên rất phấn khởi”.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ, siêu thị lớn như Go- Đà Nẵng, Co.opmart, Lotte Mart, MM Mega Market Đà Nẵng tổ chức các điểm bán hàng bình ổn, nhất là các mặt hàng tiêu dùng ngày Tết với giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các đơn vị còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường. Bà Lê Thị Hiền, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết, siêu thị đã chuẩn bị lượng hàng hoá tổng trị giá khoảng 50 tỷ đồng, chủ yếu bánh kẹo, bánh chưng, bánh tét, giò chả, trái cây mâm ngũ quả… Năm nay, hệ thống siêu thị Co.opmart triển khai chương trình giảm giá trực tiếp từ 50% đến 100% cho hơn 1.000 sản phẩm.
Theo bà Lê Thị Hiền, hiện nay, lượng người đến siêu thị mua sắm Tết tăng nhiều: “Dự kiến nguồn hàng tăng từ gấp 3 đến 4 lần so với tháng kinh doanh thường. Trước Tết sức mua tăng khoảng 20%. Chúng tôi đã chuẩn bị hàng hoá để đảm bảo phục vụ nhu cầu Tết. Chúng tôi triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá tập trung những hàng thiết yếu. Ngày cận Tết, tập trung giảm giá sâu đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống”
Dịp Tết Giáp Thìn năm 2024, nhiều đơn vị, doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng cam kết dự trữ háng hoá, tổng trị giá 2.580 tỷ đồng. Nhóm hàng cần đảm bảo cung cầu như gạo các loại, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, thực phẩm khô, bánh kẹo, rau củ quả các loại. Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị đưa hàng Tết phục vụ người dân miền núi ở huyện Hoà Vang.
Trước nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán tăng cao, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng thực hiện đợt cao điểm tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng tiêu dùng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ông Phạm Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt các địa bàn trọng điểm, các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao. Phối hợp với Sở Công Thương và lực lượng chức năng nắm chắc diễn biến thị trường để đảm bảo lượng cung cầu hàng hoá, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý về hành vi về đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Cuối năm lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường cao hơn nên việc xử lý vi phạm tăng hơn trước”. Ông Sơn nói.