Áo dài xứng đáng được tôn vinh là “quốc phục” Việt Nam?
VOV.VN -Dù cho chưa có một văn bản luật chính thức nào khẳng định áo dài là quốc phục của Việt Nam, nhưng nó đã được mặc định là “Áo dài dân tộc”.
Sáng 26/6, Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia "Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Hội thảo quốc gia "Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc" diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào sáng 26/6. |
Chưa có văn bản luật chính thức áo dài là "quốc phục"
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, gắn với lịch sử phát triển của mỗi dân tộc, cùng với tiếng nói, chữ viết thì trang phục luôn là một yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Áo dài gắn bó với đời sống của người Việt Nam, là biểu tượng, hồn cốt của phụ nữ Việt. Trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài là một nét văn hóa sống động, đại diện cho văn hóa Việt Nam cần được bảo vệ và phát huy giá trị trong bối cảnh đương đại.
Đánh giá tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát huy cũng như nâng cao nhận thức về giá trị của áo dài, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhìn nhận: "Dù nhà nước Việt Nam chưa ra một văn bản luật chính thức nào khẳng định áo dài là “quốc phục” Việt Nam, nhưng từ lâu nay, nó đã được đa số nhân dân mặc định là “áo dài dân tộc” hay “trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam”.
Đáng tiếc là bên cạnh sự phổ biến của chiếc áo dài, hiện nay vẫn còn một số người chưa hiểu đúng về lịch sử văn hóa, giá trị của áo dài, cũng như những tập quán sử dụng chúng. Không phải ai cũng biết tường tận về nguồn gốc, những biến đổi của trang phục áo dài, cùng quá trình hình thành nét văn hóa đặc sắc, mang tính biểu tượng cho trang phục của Việt Nam".
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam là 54 nét bản sắc văn hóa riêng biệt trong tổng hòa văn hóa Việt Nam. Theo nguồn gốc tộc người và điều kiện sinh sống, mỗi dân tộc Việt Nam lại có trang phục truyền thống độc đáo và đặc trưng khác nhau. Sự phong phú và đa dạng này đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu.
Vì thế nhiều nhà nghiên cứu không đồng tình áo dài là “quốc phục” vì phải tôn trọng đa dạng văn hóa. Lý do chính là nếu chọn áo dài là quốc phục, trong những dịp lễ tết đặc biệt hoặc sự kiện quốc gia, tất cả các dân tộc thiểu số phải mặc. Điều đó khiến cho việc mặc áo dài trở thành bắt buộc với phụ nữ các dân tộc thiểu số.
Theo ThS. Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc tập đoàn giáo dục Havetco: “Thực tế cho thấy, khi nhắc đến quốc phục Việt Nam ta nghĩ ngay đến áo dài. Bấy nhiêu đã khẳng định được vị trí của chiếc áo dài trong lòng người Việt rồi. Liệu các nhà nghiên cứu có biết rằng các nước trên thế giới cũng có nhiều dân tộc không riêng gì Việt Nam nhưng chung quy quốc phục chỉ có một mà thôi. Ví như Ấn Độ có quốc phục là bộ sari tuy nhiên những dân tộc thiểu số nước họ vẫn có trang phục riêng. Theo quan điểm của tôi, nói cho cùng thì áo dài mới là quốc phục chân chính nhất”.
Bảo vệ và phát huy giá trị của áo dài trong bối cảnh đương đại
Áo dài đã trở thành biểu tượng về bản sắc văn hóa của người Việt, là niềm tự hào mỗi khi bạn bè quốc tế nhắc đến Việt Nam. Tuy nhiên thời gian gần đây, khi một thương hiệu thời trang Trung Quốc có tên là Ne-Tiger đưa lên sàn diễn thời trang bộ sưu tập được gọi là "cách tân" những kiểu áo dài Việt Nam. Tờ nhật báo nói tiếng Anh đề cập đến loạt thiết kế này với tiêu đề: Chinese style delights China S/S Fashion Week (tạm dịch: Phong cách Trung Quốc làm mê mẩn Tuần lễ thời trang Xuân - Hè) đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm và bàn luận. Cùng với đó là những tranh cãi về nguồn gốc, kiểu dáng, chất liệu của áo dài.
Các thiết kế nằm trong bộ sưu tập của nhà mốt xứ Trung được các trang tin tức nước này mô tả là lấy cảm hứng từ các quốc gia dọc con đường tơ lụa trên biển |
Năm 2018, Bảo tàng Kimono ở Nhật Bản tổ chức triển lãm về chuyên đề lịch sử Trung Quốc. Trong hệ thống trưng bày có một chiếc Áo dài Việt Nam 100%, nhưng lại được ghi chú là trang phục thời cận hiện đại của Trung Quốc. Áo dài tân thời mà chúng ta mặc bây giờ, mọi người vẫn ghi nhận là từ thời ông Cát Tường. Chúng ta cũng thấy ở Trung Quốc có người Kinh và họ cũng có áo dài hao hao chúng ta…
Những nhầm lẫn, ngộ nhận này là lý do để các nhà nghiên cứu, quản lý về văn hóa, trang phục và thời trang xác định nhiệm vụ đi tìm bản sắc và có chính sách cụ thể để bảo vệ áo dài Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.
Theo PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam: Nếu hiểu bản sắc văn hóa dân tộc là chỉ dấu quan trọng để phân biệt giữa Việt Nam và các quốc gia khác, thì áo dài cũng là một biểu tượng văn hóa rõ ràng và cụ thể nhất về bản sắc văn hóa Việt Nam. Bởi vì khi nhìn thấy Kimono ta sẽ liên tưởng tới Nhật Bản, Hanbok - Hàn Quốc, Xường xám – Trung Hoa, Sari - Ấn Độ, và Áo dài là hình tượng về người phụ nữ Việt Nam. Có thể nói, áo dài với vẻ đẹp mang nữ tính điển hình đang là phương tiện quan trọng để quảng bá hình ảnh Việt Nam đi khắp mọi nơi trên thế giới.
Tính đa dạng về văn hóa (chất liệu, kiểu dáng, các khâu sáng tạo và các chủ thể sáng tạo) và tính biểu tượng mang bản sắc dân tộc có khả năng lan tỏa hình ảnh con người và đất nước Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế làm cho Áo dài xứng đáng được tôn vinh là - Quốc phục, đáp ứng tiêu chí của UNESCO để ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở hai loại hình: Tri thức dân gian và Nghề thủ công truyền thống.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Bộ VHTT&DL, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng các các bộ, ngành đang tích cực đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế trang phục áo dài và tuyên truyền, quảng bá áo dài một biểu tượng tôn vinh vẻ đẹp và tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam ra thế giới.
Việc nhận diện chính xác những giá trị bán nội hàm di sản văn hóa phi vật thể này một mặt sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của Quỹ này.
Mặt khác, việc nghiên cứu thấu đáo các vấn đề có liên quan đến di sản này cũng sẽ giúp cho chúng ta có được những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp, đảm bảo sức sống của Áo dài theo tinh thần Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của Nhà nước Việt Nam./.