Các cuộc thi người mẫu trên truyền hình: Sau cạnh tranh là chiêu trò
Cùng thời điểm, nhiều cuộc thi người mẫu đều rục rịch tuyển sinh, phát sóng. Từ Vietnam’s Next Top Model, Siêu mẫu Việt Nam đến “lính mới” có tên The Face...
Nhưng trái với kỳ vọng của công chúng về việc tìm ra những gương mặt có đóng góp thật sự cho làng thời trang, nhiều “lò sản xuất” người mẫu đã khiến người xem “bội thực” bởi những chiêu trò họ sử dụng nhằm cạnh tranh, câu khách.
“Cuộc chiến” giành thí sinh
Ngoài các cuộc thi về ca hát, nhảy múa, vài năm trở lại đây, các nhà sản xuất đẩy mạnh sang lĩnh vực đào tạo người mẫu. Chưa kể các “lò” tư nhân, thì hiện nay có gần chục cuộc thi tìm kiếm người mẫu trên quy mô toàn quốc, phát sóng trên các đài truyền hình như: Vietnam’s Next Top Model, Siêu mẫu Việt Nam, Ngôi sao người mẫu, Thần tượng thời trang F.Idol, The Face… Riêng trong thời điểm này, ba cuộc thi VNTM, The Face, Siêu mẫu Việt Nam cùng khởi động, tuyển sinh.
Bộ ba chân dài Lan Khuê - Hồ Ngọc Hà - Phạm Hương cùng đảm nhận vai trò giám khảo trong cuộc thi Tìm kiếm người mẫu quảng cáo The Face. |
Sau 6 mùa phát sóng, sức nóng của chương trình VNTM đã giảm nhiệt, đi vào lối mòn, với công thức: Thí sinh cao, gầy, quê mùa... sẽ trở thành người chiến thắng. Chính vì vậy, để cạnh tranh với các cuộc thi người mẫu khác, những người sản xuất đã thay đổi tiêu chí và gây bất ngờ khi tuyên bố mùa 7 sẽ tuyển luôn thí sinh cao 1m50, “phá bỏ những giới hạn” về chiều cao, hình thể để “hút” thí sinh tham gia. Tại sao từ một cuộc thi với mục đích tìm kiếm người mẫu Việt đủ tầm ra quốc tế, nay lại thay đổi mang tính bước ngoặt như vậy?
Dễ hiểu, cũng trong tháng 5.2016, cuộc thi The Face Việt Nam với tiêu chí “Vẻ đẹp chạm đến thương hiệu” chính thức khởi động mùa đầu tiên, với tiêu chí tìm kiếm những gương mặt quảng cáo tại Việt Nam. Bởi theo danh sách Forbes công bố năm 2015 trong lĩnh vực người mẫu, top những siêu mẫu kiếm tiền nhiều nhất trong năm đều là những người đóng quảng cáo, chứ không phải sống bằng nghề catwalk.
Mặt khác, do có quá nhiều cuộc thi tổ chức đều đặn mỗi năm, nên rất khó cho nhà sản xuất trong việc tìm ra gương mặt mới, gây ấn tượng trong làng thời trang. Vậy nên, các cuộc thi người mẫu trong nước đang chuyển dần theo hướng ưu tiên các thí sinh có khuôn mặt đẹp, chứ không ưu tiên chiều cao như trước.
Vì diễn ra cùng thời điểm, nên VNTM và The Face phiên bản Việt đang vô tình đứng chung sân và cạnh tranh nhau để “hút” thí sinh tham gia, lượng rating trên truyền hình và tìm cho mình nhân tố sở hữu nhan sắc có tính thương mại cao.
Càng nhiều cuộc thi người mẫu thì cơ hội dành cho các bạn trẻ yêu thích sàn catwalk càng cao, những người “vô danh” chưa một lần biết tới trình diễn thời trang cũng hoàn toàn có thể mơ tới việc trở thành người mẫu nổi tiếng. Nhưng nếu phá bỏ các rào cản về chiều cao, hình thể - xưa nay vẫn được xem là quy chuẩn của nghề người mẫu - để “tuyển ồ ạt” thì chất lượng đầu ra của những “lò đào tạo người mẫu” này sẽ ra sao, nhất là trong bối cảnh nghề người mẫu đang chịu nhiều tai tiếng?
Dùng thí sinh “dị”, chuyện hậu trường để câu khách
Trong các lò đào tạo người mẫu, luôn có những cuộc chiến căng thẳng giữa các thí sinh và nay vì yếu tố cạnh tranh, được nhà sản xuất tô vẽ để thêm phần kịch tính. Trong chương trình VNTM 2016, dù mới ghi hình được vài tập, nhưng đã có không ít điều khiến công chúng giật mình.
Các thí sinh của Vietnam’s Next Top Model 2016. |
Đầu tiên là việc xuất hiện hàng loạt thí sinh “dị” tham gia thi tuyển người mẫu. Đúng với tiêu chí “phá bỏ mọi giới hạn”, các thí sinh năm nay của VNTM cũng đa dạng, từ những cô nàng chuyển giới, hotgirl xăm trổ, rồi người béo, người lùn cũng nô nức tham gia casting. Đặc biệt, lần đầu tiên, thí sinh Nguyễn Thị Kiều Trang, chỉ cao 1m57 đã vượt qua sơ khảo VNTM. Nhưng họ chỉ là những quân cờ trong tay nhà tổ chức để góp phần tăng lượng xem. Cứ đà này, chẳng mấy mà Việt Nam sẽ có lớp người mẫu “siêu dị”, với những phong cách lạ lẫm, thời trang khác người.
Ngoài việc khai thác yếu tố “dị - lạ”, VNTM cũng gây chú ý với dàn giám khảo - những gương mặt nổi tiếng trong showbiz. Ở những mùa “Vietnam’s Next Top Model” trước, dư luận đã lên tiếng xung quanh việc giám khảo nam mặc váy và ăn nói chua ngoa, phản cảm. Nam Trung, Vũ Mạnh Cường, giám khảo được mời từ Australia - Adam Williams - đã từng bị dư luận chỉ trích bởi phong cách thời trang khi lòe loẹt, lúc khó hiểu của mình.
Trong vòng sơ tuyển của chương trình diễn ra tại Hà Nội vào ngày 24.5 vừa qua, giám khảo của mùa 7 - Lý Quý Khánh - đã có màn quỳ trước mặt giám khảo Thanh Hằng để xin vé đi tiếp cho thí sinh. Hành động này của Lý Quý Khánh khiến các giám khảo vô cùng bất ngờ và cảm thấy khó xử. Ngay bản thân thí sinh cũng không biết làm gì trước hành động có phần quá khích này.
Còn với The Face, trong mùa đầu tiên lên sóng này, nhà sản xuất đã chi tiền tỉ để mời cho được bộ ba Lan Khuê - Phạm Hương - Hồ Ngọc Hà ngồi vào “ghế nóng”. Ba người đẹp này ngoài đời đều dính không ít thị phi, cùng chuyện “bằng mặt mà không bằng lòng”. Sau khi trở về từ 2 cuộc thi nhan sắc lớn nhất, nhì thế giới, Lan Khuê và Phạm Hương đã nhiều lần dính vào tin đồn cơm không lành, canh không ngọt. Họ trở thành đối thủ của nhau trên mọi mặt trận, từ sắc đẹp cho đến thành công trên con đường sự nghiệp. Còn Hà Hồ và hoa hậu Phạm Hương cũng từng xuất hiện tin đồn có xích mích với nhau liên quan đến vấn đề tình cảm riêng tư.
Nhà sản xuất đã khôn khéo dùng những vấn đề hậu trường trong giới chân dài để gây chú ý với người xem. Tuy nhiên, những gia vị đó không thể giúp chương trình duy trì độ hot được mãi. Khi mà 3 quốc gia Anh, Úc, Thái Lan đều từng mua bản quyền của The Face, nhưng chỉ mỗi xứ sở chùa vàng thực hiện tiếp mùa 2, còn hai phiên bản Anh và Úc vì tỉ suất xem đài quá thấp đã buộc phải dừng thực hiện mùa 2. Đơn giản, khán giả giờ có nhiều lựa chọn trong thời nở rộ truyền hình thực tế như hiện nay. Chuyện hậu trường của giới “chân dài”, các trận cãi vã giữa các huấn luyện viên trên truyền hình, nếu cứ dùng mãi, rồi cũng thành nhạt.
Một điều quan trọng khiến các cuộc thi người mẫu ngày càng giảm sức hút, một phần bởi bản thân các thí sinh đi thi. Rất ít trong số họ chịu khó lao động nghiêm túc, để có những đóng góp cho làng thời trang Việt Nam. Nhiều “chân dài” đi thi với mục tiêu tìm kiếm danh hiệu, chỉ cần lọt top nọ kia để kiếm danh xưng, như một bệ đỡ để bước chân vào làng giải trí, để chạy show, dễ kiếm đại gia. Vậy nên, dù xuất hiện dày đặc các cuộc thi tìm kiếm người mẫu, hàng trăm chân dài được đào tạo, tìm kiếm mỗi năm, nhưng chỉ thấy nhân lên những thị phi, còn những gương mặt có đóng góp thật sự cho làng thời trang lại luôn khiêm tốn./
Huyền Trang, Ngọc Tình thi người mẫu thế giới