Giáp Tết lên Sin Suối Hồ xem người Mông dệt vải
VOV.VN - Tết rồi, bà con tranh thủ công việc nương rẫy xong thì tập trung dệt vải để may quần áo mới, váy mới mặc đi chơi Tết.
Nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, bản Sin Suối Hồ nức tiếng với nhiều sản vật như hoa địa lan, thảo quả, táo mèo và vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết của cảnh quan thiên nhiên. Đặc biệt nơi đây từ bao đời còn lưu giữ nghề dệt vải lanh may váy áo ngày Tết, với những hoa văn họa tiết đặc sắc càng thu hút du khách thập phương đến với miền biên viễn Lai Châu.
Rộn ràng dệt váy Tết
Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi đã có cuộc hành trình lên với bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) để khám phá những nét độc đáo của bản có 100% bà con là dân tộc Mông. Cách thành phố Lai Châu chừng 30km, nhưng chúng tôi phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ để đi xe máy qua những dãy núi mà mỗi lúc một lên cao.
Công đoạn vẽ sáp ong tạo hoa văn trên vải. |
Vượt qua những cung đường có phần hiểm trở, chúng tôi đến được chợ của bản Sin Suối Hồ, trung tâm giao thương, trao đổi hàng hóa và cũng là nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ của đồng bào Mông trong các dịp lễ, Tết. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một khung cảnh sôi động như ngày hội, với rực rỡ sắc màu của những bộ váy áo của phụ nữ dân tộc Mông. Anh Vàng A Chỉnh, trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: “Bình thường chợ chỉ họp duy nhất vào ngày chủ nhật thôi, nhưng dạo này ngày nào cũng đông như thế. Vì gần Tết rồi, bà con tranh thủ công việc nương rẫy xong thì tập trung dệt vải để may quần áo mới, váy mới mặc đi chơi Tết. Bà con người Mông cũng ăn Tết chung với người Kinh mà, nên không chỉ chuẩn bị cơm, thịt, bánh chưng các thứ... mà còn may quần áo mới, treo cờ Tổ quốc rực cả bản đấy cán bộ ạ”.
Gần 150 hộ đồng bào Mông của bản Sin Suối Hồ có thu nhập chủ yếu từ thảo quả được trồng dưới những tán rừng nguyên sinh đầy huyền bí mà cha ông của họ bảo vệ bao đời nay. Đặc biệt những năm gần đây, khi giao thông thuận tiện, bà con đã biết học hỏi, tìm hiểu và thuần giống địa lan trên rừng để bán cho thương lái và khách du lịch. Nhờ đó, thu nhập của nhiều hộ dân nơi đây lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, bản không còn hộ nghèo. Đặc biệt nghề dệt vải lanh và vẽ họa tiết hoa văn trên vải bằng sáp ong đã được lưu truyền và đến nay đang được tiếp tục duy trì và cho ra nhiều sản phẩm rất có giá trị cả về kinh tế, và cả về thẩm mỹ, bảo tồn văn hóa riêng có của đồng bào nơi đây.
Không biết dệt sẽ không lấy được chồng
Ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân, nhất là phụ nữ dân tộc Mông, kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong để dệt, thêu hoa văn trên trang phục truyền thống có thể nói đã đạt đến độ tinh xảo, cuốn hút người xem. Một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc trong cách tạo hoa văn, phối màu trên các sản phẩm vải, góp phần tạo nên những trang phục đẹp, độc đáo riêng của người phụ nữ Mông. Ông Sùng A Lùng - Phó Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ cho biết: Bao đời nay, người dân bản Sin Suối Hồ vẫn trồng lanh, xe sợi, dệt vải để gìn giữ nghề thủ công truyền thống, tạo ra các sản phẩm như: váy, áo, thắt lưng, khăn quấn đầu, xà cạp…, thêu trang trí bằng cách chắp vải màu, vẽ sáp ong với các hình chữ thập, chữ đinh, tam giác, đường diềm rất linh hoạt, khác biệt mà không hề lẫn lộn với cách trang trí của các dân tộc khác.
Để lưu truyền, những nghệ nhân trong bản đã tích cực truyền dạy cho thế hệ đi sau tiếp tục học tập nghề, nhất là đối với phụ nữ. Chị Hạng Thị Dở, bản Sin Suối Hồ cho biết: “Từ lúc còn bé mình đã được bố mẹ truyền cho nghề dệt vải rồi. Ban đầu mới học cũng khó và nản lắm nhưng sau chịu khó mình đã thành công. Mà ở bản mình con gái mà không biết dệt thì không ai lấy đâu!!!” (cười).
Phải rất kỳ công để dệt được một tấm vải của người Mông. Đầu tiên lanh được cắt về phơi khô, đem giã mềm, nối thành sợi rồi đem ngâm với tro bếp để sợi được trắng, khi ngâm nhuộm chàm sẽ bám chắc hơn, sau khi nhuộm sẽ được giặt phơi cẩn thận để tạo độ bóng mịn của vải. Tiếp đến là công đoạn chế sáp ong để vẽ. Sáp ong có màu vàng là sáp non, màu đen là lớp sáp già, lấy hết mật rồi nấu mỗi loại một nồi khác nhau cho đến khi nóng chảy, đem đổ ra bát riêng. Lấy một lượng sáp đen vừa đủ, trộn đều với một lượng sáp vàng tương ứng và đặt lên bếp. Khi bắt đầu vẽ sáp lên vải thì nấu hai loại sáp này trộn với nhau để chảy ra. Khi đun sáp, luôn phải giữ lửa đều ở nhiệt độ 70 - 80 độ, sáp mới không bị khô. Để vẽ sáp ong lên vải phải dùng bút vẽ. Bút vẽ do bà con tự chế là một thanh tre nhỏ dài khoảng 7cm, ngòi bút là một lá đồng bé xíu hình tam giác được nẹp vào thanh tre. Ngòi bút càng mỏng hoa văn vẽ càng đẹp.
Khi vẽ, người vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Khi kẻ, phải giữ sao cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới chấm bút vào sáp tiếp nét vẽ, vì vậy đòi hỏi đôi tay của người phụ nữ thật mềm dẻo, khéo léo. Nếu vẽ sáp ong trên vải, người vẽ dùng một cái lu cở (gùi), trên miệng lu cở để một miếng gỗ. Miếng gỗ là một tấm ván bằng phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải để tiếp tục vẽ. Vẽ đến đâu quấn đến đấy để không bị bẩn. Vẽ xong hoa văn thì bỏ vải vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để lớp sáp bong ra, để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau khi luộc, vải được nhuộm chàm, phơi nắng thật khô để đem may váy và các trang phục khác.
Người Mông quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh, mời được các thần linh tới nhà ban phát cho họ điềm lành, xua đi những điều dữ. Qua đó cũng phản ánh được sự cần cù, chịu thương chịu khó, tính tự lập cao của đồng bào người Mông trong đời sống sản xuất, sinh hoạt hằng ngày./.