Những kiểu bóc lột người mẫu của công ty quản lý
Các chân dài bị công ty ép thuê nhà giá cắt cổ, lừa đi phẫu thuật thẩm mỹ để kiếm chác hay bị bỏ đói suốt 14 tiếng khi làm việc.
Theo Cosmopolitan, tại Mỹ, 9 người mẫu vừa cùng đâm đơn kiện các công ty quản lý một thời. Họ cáo buộc ông chủ đã bóc lột sức lao động trong khi vi phạm hàng loạt điều khoản hợp đồng và yêu cầu phía bị đơn bồi thường.
Luật sư của Click Model Management - một trong những công ty bị kiện - yêu cầu tòa bác đơn vì cho rằng phía nguyên đơn chỉ muốn gây chú ý để đánh bóng tên tuổi. Tuy vậy, tòa án tối cao quận Manhattan, New York, Mỹ đã yêu cầu xem xét kỹ nội dung đơn kiện. Kết quả thu được gây bất ngờ cho những người quan tâm.
Nhiều người mẫu bị ăn chặn tiền lương dù đi làm cực khổ. Ảnh:Blogspot |
Nhiều công ty quản lý giấu giếm, ăn chặn tiền công của người mẫu
Thông thường, sau khi "đầu quân" cho một công ty quản lý, việc trả lương của người mẫu được ủy thác cho đại diện của công ty. Hầu hết con số đều được thông báo lại cho nhân viên. Tuy vậy, trong đơn kiện, các cô gái khẳng định mình không biết chút gì về những khoản thu trong thời gian làm việc ở công ty cũ. Ông chủ đưa bao nhiêu, họ biết bấy nhiêu. Điều này khiến họ tin rằng những người quản lý đã bòn rút tiền công của mình một cách bất hợp pháp.
Vanessa Perron - một trong số người mẫu đâm đơn kiện - cho biết một lần cô phải bay từ Mỹ sang Australia để chụp hình cho tạp chí Harper's Bazaar của nước này. Cô được công ty thông báo toàn bộ tiền vé do khách hàng thanh toán sau khi xong công việc. Đến lúc nhận được tiền lương từ công ty, Vanessa phát hiện mình đã bị trừ một khoản bằng đúng tiền vé. Nếu cáo buộc của người mẫu là thật, điều này đồng nghĩa với việc công ty quản lý đã thu tiền vé hai lần từ cả Harper's Bazaar lẫn Vanessa cho một chuyến bay duy nhất.
Dù từng làm việc cho các hãng lớn như Ralph Lauren, Macy's hay xuất hiện trên Sports Illustrated Swimsuit, đời sống của Melissa Baker không mấy cải thiện. Hợp đồng chụp hình của cô có trị giá 10.000 USD nhưng cô chỉ nhận không quá 5.000 USD cho mỗi lần làm việc. Số tiền công ty quản lý trả ít tới nỗi bố của Melissa là một thợ máy ở Ohio phải rút ví chi tiền mua đồ hàng ngày cho con gái. Thi thoảng, cô được công ty hứa trả công bằng quần áo, phụ kiện nhưng sau đó họ "mất hút".
Nếu không thuộc hàng siêu mẫu, các chân dài khó tránh khỏi được những sự chèn ép từ các nhà tổ chức cũng như công ty quản lý. Ảnh:Dailyrecord. |
Các "ông chủ" kiếm chác từ việc mời mọc người mẫu sử dụng dịch vụ mình giới thiệu
Việc ăn chia khi giới thiệu một ai đó dùng các dịch vụ không còn quá xa lạ. Tuy vậy, không ít người ngạc nhiên khi nghe cáo buộc công ty quản lý "xui" người mẫu tới một số viện thẩm mỹ để làm đẹp. Hành động này bị coi như lừa đảo các chân dài sử dụng dịch vụ nhằm kiếm chác từ số tiền họ bỏ ra cho ca phẫu thuật.
Chưa hết, theo người mẫu Marcelle Almonte, đầu thập niên 2000, công ty quản lý bắt cô thuê căn hộ hai giường ngủ với giá 1.850 USD một tháng (hơn 41 triệu VND). Người mẫu phải sống chung với 8 cô gái khác, ai cũng trả một khoản như nhau và ngủ giường tầng. Trong khi, với một căn hộ cùng tòa nhà, giá thuê khởi điểm chỉ từ 2.900 USD (hơn 65 triệu đồng). Nói cách khác, công ty quản lý đã "đút túi" 13.750 USD (hơn 308 triệu đồng) mỗi tháng.
Vanessa Perron cho biết thêm cô bị buộc nộp một khoản tiền vô lý cho công ty Model Management mà họ gọi đó là phí duy trì hình ảnh trên website. Ngoài ra, cô cùng các người mẫu phải đóng toàn bộ phí vận chuyển vật dụng của mình để phục vụ công việc, không được hỗ trợ bất cứ khoản nào. Những người trong giới mẫu ước tính nếu một kiện hàng được gửi cho 10 người mẫu, ai cũng phải đóng phí gửi, công ty quản lý đã thu lời gấp 9 lần số tiền bỏ ra.
Việc người mẫu được chuẩn bị đồ ăn, thức uống để phục vụ cho buổi chụp là điều thường thấy ở những show diễn, buổi chụp hình cho các hãng lớn. Ảnh:Tumblr. |
Người mẫu gần như không có khả năng phản kháng trước sự bóc lột của công ty
Trên thị trường quốc tế, trừ các siêu mẫu, các chân dài phụ thuộc rất lớn vào công ty quản lý bởi chỉ họ mới đủ mạng lưới và mối quan hệ đảm bảo công việc. Một khi đã ký hợp đồng lao động, người mẫu chỉ hoạt động độc quyền cho một công ty. Ngoài ra, họ phải thường xuyên báo cáo hoạt động với người đại diện mỗi ngày. Mọi khía cạnh trong cuộc sống, từ chuyện ăn kiêng, làm tóc, tập thể dục đến việc hẹn hò đều bị kiểm soát bởi người quản lý.
Các cô gái đâm đơn kiện vì sau khi ký hợp đồng, họ chỉ được xếp loại là "người mẫu tự do" dù vẫn phải chịu sự quản thúc giống hệt những người lâu năm. Trong khi quyền lợi đi kèm hợp đồng công việc bị cắt bỏ và họ không được đảm bảo cuộc sống và sự nghiệp như các đồng nghiệp.
Vanessa Perron kể cô và nhiều người mẫu từng công ty quản lý bỏ đói khi đang làm việc. "Khi chúng tôi hỏi về chuyện ăn uống, họ bảo rằng: "Ô, cô là người mẫu mà, người mẫu thì không được ăn". Trong khi buổi chụp hình kéo dài suốt từ 12 đến 14 tiếng.
Trong hầu hết trường hợp, các đòi hỏi về quyền lợi của người mẫu đều bị khước từ. Melissa Baker cho hay khi chân dài yêu cầu lời giải thích về khoản cát-xê mình lẽ ra nhận được từ việc chụp quảng cáo cho Sports Illustrated Swimsuit, công ty quản lý đã "trả thù" để cô không tham gia được dự án khác. Họ nói với các nhiếp ảnh muốn làm việc cùng Melissa rằng lịch làm việc của cô đã kín và không thể nhận thêm. Trong khi thực tế, Melissa Baker chưa nhận bất cứ công việc nào khi ấy.
Melissa khẳng định cuộc sống của cô ảnh hưởng nhiều khi bị quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, cô từng bị công ty gợi ý "đá" bạn trai - đang phục vụ nghĩa vụ quân sự tại Afghanistan lúc bấy giờ - rồi thay thế bằng một sao nam hay ngôi sao thể thao hạng A nào đó./.