200.000 cử nhân thất nghiệp: Cần đánh giá đúng năng lực bản thân
VOV.VN - Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tính đến đầu năm nay, cả nước có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp.
Số lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên không có việc làm có xu hướng tăng và trở thành nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong các bậc trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tình trạng cử nhân nhìn nhận năng lực bản thân cao hơn khả năng đáp ứng công việc trên thực tế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng tăng.
Người lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, hiện đang nuôi con nhỏ, chị Bùi Thanh Thương ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội mong muốn tìm được công việc có thời gian làm việc từ 3-4 giờ/ngày, thu nhập đủ chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, sau nhiều lần đăng ký xin phỏng vấn tại một số công ty, chị vẫn chưa hài lòng với mức lương được đưa ra và cũng không thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Chị Bùi Thanh Thương chia sẻ: “Nhiều người trẻ muốn ra ngoài làm do có sự năng động nhiều hơn. Mỗi người có suy nghĩ khác nhau nhưng theo tôi, khi đã làm ngoài , tôi cũng như nhiều người đều muốn mức lương mỗi một năm phải được tăng cao hơn với năng lực mà mình bỏ ra”.
Thất nghiệp do chưa tìm được tìm được việc làm theo ý muốn là một thực tế đang phổ biến hiện nay. Theo một số liệu thống kê, cứ 10 sinh viên tốt nghiệp ra trường, có tới 6 người thiếu kỹ năng và tiếng Anh; trong 10 cử nhân, có tới 4 người thiếu kiến thức chuyên môn. Vậy nên, cứ 10 doanh nghiệp tuyển dụng, có tới 6 doanh nghiệp không hài lòng về chất lượng đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học và sau đại học. Chính vì học không đi đôi với hành, nên đa số cử nhân, thạc sĩ bị sốc và lúng túng trước các câu hỏi thực tế của nhà tuyển dụng.
Anh Trần Văn Đông tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin nhưng đang làm việc ngành kinh doanh, chia sẻ: “Năm vừa rồi tôi có thay đổi về xu hướng công việc. Hiện nay, các công ty tuyển dụng đòi hỏi nhiều về kỹ năng, nghiệp vụ, kinh nghiệm và giao tiếp. Tôi cũng mong tìm một môi trường làm việc mới, hy vọng là mình còn trẻ, còn có khả năng thì bất cứ môi trường làm việc làm mình cũng đều có cơ hội của mình”.
Cơ hội việc làm nhiều, sao vẫn còn 200.000 sinh viên thất nghiệp?
Do các ứng viên chưa nhận thức được các giá trị trên thị trường lao động nên thường xuyên nhảy việc khi thấy có vị trí việc làm “dễ thở” và thu nhập cao hơn, kể cả làm việc trái ngành, trái nghề. Mặc dù đây là đòi hỏi chính đáng của người lao động nhưng lại mâu thuẫn với nhu cầu tuyển dụng của các công ty.
Bà Nguyễn Thu Thủy, cán bộ nhân sự Công ty cổ phần Lắp đặt viễn thông chia sẻ, đa phần các cử nhân chỉ có kiến thức sách vở, thiếu kỹ năng mềm và kinh nghiệm chuyên môn thực tế, nhưng kỳ vọng xin được việc làm tốt với mức lương cao. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, sinh viên mới ra trường nên chấp nhận thử thách thì sẽ có cơ hội tồn tại vững vàng hơn trong tương lai.
Bà Nguyễn Thu Thủy nói: “Khi tuyển các bạn chưa có kinh nghiệm vào công ty, mức lương chưa thể cao được, vì thế nhiều bạn làm được 2 -3 tháng là nghỉ. Các trường cũng phải định hướng cho sinh viên thật rõ, các bạn đang ở vị trí nào và khi chưa có kinh nghiệm thì phải mất ít nhất thời gian 1 năm, có kinh nghiệm mới làm được, đặc biệt là vị trí kỹ thuật”.
Người lao động đăng ký thông tin tìm việc. |
Cử nhân ra trường đi bán hàng hoặc chỉ dám nhận có bằng trung cấp để làm công nhân không còn chuyện hiếm. Chọn nhầm nghề, ngồi nhầm trường là nguyên nhân khiến cho sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng tăng. Muốn có cơ hội khởi nghiệp tốt, người lao động cần tự ý thức được nhu cầu của mình phải trên cơ sở trình độ, năng lực, từ đó, tự bổ sung những thứ còn thiếu như tăng cường học tập, rèn luyện những kỹ năng cần thiết, đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng.
Với tư cách là người đứng đầu cơ quan nhà nước trong lĩnh vực lao động, việc làm, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định sẽ tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận thanh niên, sinh viên vào làm việc.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: “Tôi mong muốn tất cả các bạn sinh viên tiếp cận với những tư duy mới. Việc làm không có nghĩa là cứ phải đứng trong cơ quan nhà nước hay đứng trong công xưởng, nhà máy. Quan trọng hơn hết, mỗi người hãy tìm cho mình những công việc, việc làm chính đáng, có thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho gia đình, phát triển xã hội”./.
Cử nhân thất nghiệp: Do ảo tưởng về bản thân?