Bắc Kạn công bố nguyên nhân gây sụt lún tại huyện Chợ Đồn

VOV.VN - Hiện tượng sụt lún xuất hiện lần đầu tại khu vực xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn từ năm 2007, sau đó xuất hiện trở lại từ tháng 12/2013.

Sáng 26/5, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường  phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn công bố nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn trong suốt hàng chục năm qua. 

Từ năm 2015 đến nay, sụt lún tiếp tục xuất hiện với tần suất nhiều hơn trên một dải kéo dài khoảng 6,5km ở 3 địa phương, gồm xã Ngọc Phái, xã Bằng Lãng và thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn.

Theo thống kê sơ bộ, hơn 10 năm qua đã có khoảng 150 hố sụt lún lớn nhỏ xuất hiện trong phạm vi 3 xã, thị trấn của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Người dân hoang mang khi những "hố tử thần" có đường kính hàng chục mét liên tiếp xuất hiện, nuốt cả ao cá, ruộng vườn...

Đã có hàng trăm hố sụt lớn nhỏ, trong đó có những hố đường kính lên đến hàng chục mét và làm lún, nứt công trình nhà cửa, trạm y tế, trường học, đồng thời xuất hiện hàng chục điểm sạt trượt mái taluy trên đường giao thông… Hiện tượng này đã trở thành nỗi lo sợ của người dân hàng chục năm qua và làm dấy lên nghi vấn về ảnh hưởng của tình trạng bơm, hút nước quy mô lớn của các mỏ khai thác khoáng sản trong khu vực.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, có 5 nhóm yếu tố tác động trực tiếp đến hiện tượng sụt lún đất tại đây gồm: do cấu trúc địa chất; hệ thống karst ngầm; việc hạ thấp mực nước ngầm; đặc điểm hình thành tầng đất phủ và hoạt động khai thác mỏ trong khu vực. 

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá, giải quyết hiện tượng sụt lún đất tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn”  thuộc Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam cho rằng: "Trong 5 yếu tố trên, yếu tố có ảnh hưởng nhất là do việc hạ mực nước ngầm trong tầng chứa nước karst. Thực tế nghiên cứu tại Chợ Đồn chúng tôi thấy mực nước ngầm tầng karst ở đây đã hạ thấp từ 21,08m đến 30m trên phạm vi kéo dài khoảng 4km. Chúng tôi cho rằng, có đơn vị nào đó đã bơm hút nước lưu lượng lớn vì thực tế ở đó việc bơm hút nước trong dân hầu như không đáng kể, người dân chủ yếu dùng nước khe, nguồn lộ…"

Các hố tử thần xuất hiện ngay cạnh nhau khiến người dân khiếp sợ.
Trạm Y tế xã Ngọc Phái  bỏ không vì xuất hiện nhiều vết lún, nứt ở nền móng, tường và trần nhà.

Trên cơ sở này, các nhà khoa học cũng kiến nghị địa phương cần giám sát chặt chẽ các cơ sở, đơn vị, tập thể, cá nhân có hoạt động bơm hút, sử dụng nguồn nước ngầm. Bất kỳ hoạt động bơm hút nước ngầm với lưu lượng lớn cần phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng thời thiết lập mạng lưới quan trắc biến động mực nước. Các hố sụt lún sau khi xuất hiện phải được lấp lại đảm bảo kỹ thuật, hạn chế tối đa tình trạng thẩm thấu từ trên xuống…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên