Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 24-27/6/2018. Bộ GD-ĐT cho biết, công tác in sao đề, phòng thi và tập huấn, chỉ đạo cơ bản đã sẵn sàng để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Đặc biệt là sau sự cố để “lọt” đề thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội, công tác bảo mật đề thi Quốc gia trở thành vấn đề “nóng” được đặt lên hàng đầu…
|
Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 24-27/6/2018. |
Vai trò số một là giám thị
Kỳ thi THPT Quốc gia 2018, mỗi tỉnh, thành phố có 1 cụm thi do Sở GD-ĐT địa phương chủ trì, phối hợp với các trường đại học, học viện, cao đẳng do Bộ GD-ĐT điều động.
Kỳ thi có 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT, chủ yếu là lớp 12; nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí, ông Nam Nhật Minh, Phó Trưởng phòng Quản lý thi, Bộ GD-ĐT khẳng định: Về công tác in sao đề, phòng thi và tập huấn, chỉ đạo cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 cơ bản đã trong tư thế sẵn sàng. Ma trận đề thi của kỳ thi này đảm bảo phù hợp với hình thức thi đã công bố, theo hướng tiếp tục thực hiện định hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn, đồng thời tăng cường phân hóa kết quả thi đảm bảo đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tin cậy để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp.
925.792 học sinh đăng ký dự thi, trong đó, xét công nhận tốt nghiệp là 879.705 em, tổng số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là 688.466 em, tăng hơn 48.000 so với năm 2017. Cả nước có 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 25-27/6. Thí sinh sẽ làm 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Để hỗ trợ xử lý các vấn đề phát sinh, đặc biệt là gian lận trong kỳ thi, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố số điện thoại đường dây nóng 0902.139.764. Bất cứ người dân, phụ huynh, thí sinh có băn khoăn cần giải đáp hoặc phát hiện sự cố, việc gian lận thi cử trước, trong và sau kỳ thi có thể liên hệ trực tiếp tới số máy trên.
Hiện nay đề thi đã sẵn sàng để phục vụ kỳ thi. Công tác bảo mật đề thi được đặc biệt quan tâm, các địa phương đều đã có phương án cụ thể, khả thi để bảo mật tuyệt đối đề thi ở tất cả các khâu.
Liên quan đến công tác bảo mật đề thi, coi thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định, hiện Bộ đã có nhiều biện pháp để đảm bảo kỳ thi THPT Quốc gia diễn ra công bằng và nghiêm túc. Ngay từ khâu ra đề thi đến in sao đề (gọi chung là làm đề thi) đều được thực hiện tại một địa điểm an toàn, được bảo vệ nghiêm ngặt. Đặc biệt, các thành viên tham gia làm đề đều phải cách ly triệt để với bên ngoài trong suốt thời gian làm đề thi tới khi kết thúc môn thi cuối cùng.
Danh sách những người làm đề thi được giữ bí mật trước, trong và sau kỳ thi... Hiện nay, các Sở GD-ĐT đã và đang tích cực chuẩn bị về mọi mặt để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Tuy nhiên, đại diện Bộ GD-ĐT cũng cảnh báo, ngoài các biện pháp kỹ thuật, tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường mật độ cán bộ giám sát các phòng thi, nhưng cao nhất vẫn là tinh thần, trách nhiệm của mỗi cán bộ tham gia kỳ thi quan trọng này.
Không chỉ thực hiện nghiêm quy chế, mà mỗi cán bộ phải “giữ mình”, chỉ cần vi phạm quy chế thi, sẽ bị xử lý rất nghiêm theo quy định của pháp luật. Có thể nói, những sự cố rò rỉ đề thi đã xảy ra trong thời gian qua ở một số địa phương, là sự cảnh báo các điểm thi, hội đồng thi không được chủ quan bất kỳ khâu nào. Kỳ thi năm 2018, cả nước điều động hơn 45.000 cán bộ, giảng viên tham gia phối hợp với các địa phương để tổ chức thi.
Theo ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT: Điểm mới năm nay là Bộ GD-ĐT chỉ đạo thanh tra chấm thi có lực lượng cắm chốt tại 63 hội đồng chấm; tổ chức đường dây nóng; tổ chức thanh tra cơ động trong quá trình thi và chấm thi. Về Thanh tra Sở GD-ĐT, năm nay tại mỗi điểm thi có 2 thanh tra cắm chốt - một người của Sở và một người là của trường ĐH, CĐ. Như vậy, với khoảng hơn 2.000 điểm thi, lực lượng thanh tra lên tới khoảng trên 4.000 người.
Chánh Thanh tra Bộ cho biết thêm, để làm tốt việc chống gian lận trong thi cử, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với A83, Bộ Công an, chỉ đạo PA83 ở các địa phương tập huấn cho cán bộ coi thi về nội dung này. Hai bên cũng phối hợp trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi để xử lý nhanh những tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Tuy nhiên, việc vi phạm quy chế thi cần được lưu ý cả ở giám thị, không chỉ thí sinh…
|
Lịch thi THPT quốc gia 2018 |
Tất cả đã sẵn sàng cho kỳ thi
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, đến nay, các địa phương đã tích cực chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai thực hiện chặt chẽ quy trình in sao đề thi để đảm bảo đủ số lượng đề thi với chất lượng tốt nhất, tuyệt đối không xảy ra sai sót; đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo mật trong các khâu in sao, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng đề thi tại các điểm thi của Hội đồng thi của địa phương mình.
Rà soát kỹ lưỡng những điểm thi ở vùng sâu, vùng xa, các điểm thi sát khu dân cư, cơ quan, nhà máy, công xưởng,... có thể gây khó khăn cho công tác bảo vệ an ninh trật tự của điểm thi. Tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở các địa điểm thi; tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh là con em dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, học sinh khuyết tật, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa... tham dự kỳ thi, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.
Hà Nội năm nay có số thí sinh dự thi THPT Quốc gia nhiều nhất cả nước với gần 80.000 thí sinh. Sở GD-ĐT Hà Nội dự kiến bố trí 123 điểm thi với 3.363 phòng thi phục vụ kỳ thi này. Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản đề nghị Công an TP phối hợp, hỗ trợ các cụm thi, bảo đảm an toàn từ khâu in sao đề, bảo vệ các điểm thi, chấm thi...
Đồng thời, công tác phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành liên quan cũng đã được triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh cho kỳ thi, đặc biệt là công tác bảo mật đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi, đảm bảo an toàn khu vực in sao đề thi, khu vực chấm thi, giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn tại các địa điểm tổ chức thi trong các ngày thi...
Triển khai các chương trình “Sinh viên tình nguyện”, “Tiếp sức mùa thi”, hỗ trợ các địa phương bảo đảm trật tự, an toàn cho kỳ thi; hỗ trợ bố trí nơi ăn, ở, hướng dẫn việc đi lại cho thí sinh và người thân của thí sinh ở xa về dự thi.../.