Bệnh viện Bạch Mai họp báo khẩn về rác thải y tế độc hại được tái chế
VOV.VN - Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận những thông tin mà báo chí đưa về việc xử lý chất thải ở bệnh viện là đúng sự thật.
“Hàng chục tấn rác thải y tế độc hại lẽ ra phải bị tiêu hủy theo đúng quy trình nghiêm ngặt tại những cơ sở được cấp phép lại đang được “âm thầm” sơ chế tại một trong những cơ sở khám - chữa bệnh lớn và uy tín nhất Việt Nam: Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Để rồi, những phế phẩm vô cùng nguy hại này được tái chế thành những sản phẩm nhựa tại những cơ sở sản xuất thủ công ngay ngoại thành Hà Nội, và rất có thể chúng trở thành những chiếc thìa nhựa, cốc nhựa mà người dân vẫn sử dụng hằng ngày”. Đây là thông tin do báo Lao Động đăng tải ngày 8/1.
ảnh Lao Động |
Ông Hùng nói: “Tôi sẽ chịu trách nhiệm về những vấn đề còn tồn tại, khiếm khuyết trong khoa”.
Ông Ngô quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, ông đã cho ngừng ngay hoạt động này từ Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn tới các đơn vị đã ký hợp đồng chính thức với bệnh viện, nếu có đơn vị nào làm không đúng.
Ông Ngô quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai (ngoài cùng, tay phải) |
Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi ngày, bệnh viện có khoảng 5,7 tấn rác thải y tế trong đó chủ yếu là chất thải thông thường và chất thải tái chế chiếm đến 4,5 tấn, chất thải tái chế khoảng 3 tạ, chất thải lây nhiễm khoảng 8 tạ.
Nói về quy trình thuê khoán xử lý rác thải, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, bệnh viện không xử lý tại chỗ vì trong khu dân cư nên đã thuê các công ty đấu thầu thực hiện từng năm một.
“Chúng tôi vẫn làm theo đúng quy trình của Bộ Y tế và những công ty mà bệnh viện ký hợp đồng có trách nhiệm chuyên trách để làm và những công ty đó đã thực hiện nhiều năm qua ở các bệnh viện tại Hà Nội”, ông Hùng khẳng định.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (BV Bạch Mai) |
Ông Hùng thừa nhận, thông tin mà báo chí phản ánh có thể là do nhân viên đã làm sai qui trình./.
Quy định về tái chế chất thải y tế
Chất thải y tế bao gồm chất thải y tế thông thường và chất thải y tế nguy hại, trong đó chiếm phần lớn (khoảng 80-90%) là chất thải y tế thông thường, chỉ khoảng 10-20% là chất thải y tế nguy hại bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải hóa học nguy hại yêu cầu phải quản lý đúng quy định để bảo đảm an toàn với con người và môi trường. Tuy nhiên nếu chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường thì an toàn đối với sức khỏe con người.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tăng cường tái chế chất thải y tế nhằm mục đích tránh lãng phí, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và lợi ích về kinh tế.
Luật bảo vệ môi trường 2014 (Khoản 3 Điều 6) khuyến khích hoạt động giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải.
Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (Điểm b Khoản 5 Điều 49) của Chính phủ cũng quy định “chất thải lây nhiễm sau khi khử khuẩn thì được xử lý như đối với chất thải thông thường bằng phương pháp phù hợp.
Quy chế quản lý chất thải y tế được ban hành tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế cũng đã quy định danh mục chất thải được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế, trong đó các chất thải là các chai nhựa đựng các dung dịch không có chất hóa học nguy hại như: dung dịch NaCl 0,9%, glucose, natri bicacbonate, ringer lactat, dung dịch cao phân tử, dịch lọc thận và các chai nhựa đựng dung dịch không nguy hại khác; các vật liệu nhựa khác không dính các thành phần nguy hại; các chai thủy tinh đựng các dung dịch không chứa các thành phần nguy hại; các lọ thủy tinh đựng thuốc tiêm không chứa các thành phần nguy hại; các vật liệu kim loại không dính các thành phần nguy hại; Giấy, báo, bìa, thùng các-tông, vỏ hộp thuốc và các vật liệu giấy là những chất thải được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế.
Tại Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 06/7/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải tăng cường công tác quản lý chất thải y tế, trong đó yêu cầu giám đốc bệnh viện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải rắn y tế, không để tình trạng lọt chất thải rắn y tế nguy hại ra ngoài. Xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định hiện hành về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế.
Theo như các quy định nêu trên, chất thải y tế thông thường hoặc chất thải y tế nguy hại đã được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, trở thành chất thải thông thường và có thể được thu gom phục vụ mục đích tái chế.
Theo Luật bảo vệ môi trường, việc quản lý chất thải y tế nói chung và quản lý chất thải y tế để phục vụ mục đích tái chế nếu không đúng quy định thì người đứng đầu cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật./.