Bội chi quỹ bảo hiểm y tế có thể lên tới 5 nghìn tỷ đồng
Thứ Tư, 18:57, 12/10/2016
VOV.VN - Dự kiến cuối năm nay bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế có thể lên tới 5 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên, nguy cơ vỡ quỹ BHYT, BHXH sẽ không thể xảy ra.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giải pháp để quản lý hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm xã hội” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm nay tại Hà Nội.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nửa đầu năm 2016, cả nước có trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế, vượt kế hoạch được giao. Quỹ khám chữa bệnh đã chi 28 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến tháng 8 năm nay, quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại 37 tỉnh, thành phố đã bội chi hơn 3 nghìn 400 tỷ đồng và dự kiến năm nay tổng số lên đến 5000 tỷ đồng.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc Hội
Nêu ý kiến về việc mất cân đối Quỹ khám chữa bệnh đang bị âm hơn 2100 tỷ đồng, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, phân tích, năm 2016 đã phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thêm 3 triệu người, cùng với việc tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế và chính sách chuyển tuyến từ cấp xã, cấp huyện dẫn đến chi quỹ bảo hiểm y tế tăng thêm hơn 20% và chỉ có khoảng 1% chi tăng thêm là do trục lợi bảo hiểm.
Tuy nhiên, do các biện pháp quản lý chưa tốt nên tạo cơ hội cho các cơ sở khám chữa bệnh và người dân trục lợi quỹ bảo hiểm. Do đó, cần phải có cơ chế giám sát, kiểm soát thật tốt để tránh trường hợp quỹ bị lạm dụng, như tình trạng quỹ bảo hiểm y tế.
"Vấn đề quan trọng của việc mất cân đối quỹ bảo hiểm là không chăm lo được cho người dân một cách công bằng, công khai, minh bạch. Một bộ phận được khám, chữa bệnh quá mức trong khi có bộ phận lại không được đảm bảo. Làm sao để người dân nhận thức cho đúng, đi khám chữa bệnh là đảm bảo chăm lo sức khỏe cho toàn dân. Có những người đi khám hàng bao nhiêu lần, thuốc không sử dụng đem bán... Vấn đề đặt ra là tăng cường quản lý làm sao để tránh trục lợi và đảm bảo sự công bằng của xã hội" - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
VOV.VN - BHXH Việt Nam đang kiến nghị tăng mức đóng phí mua thẻ bảo hiểm y tế lên cao hơn mức 4,5% hiện nay để đảm bảo nguồn Quỹ
Về việc có nguy cơ vỡ quỹ BHXH, BHYT, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định điều này không thể xảy ra, bởi hai quỹ này đều được Nhà nước bảo hộ, quản lý và có giải pháp tăng trưởng. Theo đó, nếu vẫn giữ nguyên mức đóng - hưởng hiện nay và tính đúng tính đủ “đầu vào” của Quỹ khám chữa bệnh, khả năng xảy ra mất cân đối Quỹ BHYT vào năm 2019. Còn về quỹ BHXH, khi xây dựng và tính toán Luật BHXH năm 2014, ước tính sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối Quỹ BHXH vào năm 2037.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng: Việc đảm bảo và duy trì quỹ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Thời gian tới, sẽ có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn những hành vi trục lợi bảo hiểm y tế, phấn đấu trước năm 2017, mức đóng bảo hiểm y tế sẽ chưa phải thay đổi và hạn chế phần nào những khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân.
VOV.VN -Lãnh đạo Bộ LĐTBXH đã làm việc với các vụ, cục của Bộ để thiết kế, đổi mới chính sách để “lôi kéo” người lao động tham gia BHXH.
Ông Phạm Lương Sơn cho biết, thành phố Hà Nội đang thí điểm triển khai hệ thống giám định điện tử bảo hiểm y tế và quyết toán trong quý 3 này. Dự kiến, hệ thống sẽ được đưa vào vận hành trên toàn quốc từ ngày 1/1/2017. Đây là công cụ hữu hiệu giúp Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng như ngành y tế quản lý quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả, minh bạch và độc lập: "Chúng tôi xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế là vấn đề sống còn của hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Các cơ sở khám chữa bệnh ngoài việc kết nối với cổng tiếp nhận của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phải thực hiện liên thông dữ liệu hàng ngày đối với bệnh nhân. Như vậy sẽ quản lý được lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh, ngăn chặn được tình trạng 1 ngày khám 2-3 lần và 1 tuần khám nhiều nơi trùng đơn thuốc, trùng dịch vụ kỹ thuật... dẫn tới tiết kiệm đáng kể chi phí. Bác sĩ cũng có trách nhiệm khi thấy đơn thuốc trùng thì không kê nữa"./.