PTT Vương Đình Huệ: Xây dựng Nông thôn mới phải đi vào thực chất
VOV.VN - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, xây dựng nông thôn mới phải đi vào thực chất chứ không phải dựa trên số liệu báo cáo.
“Xây dựng nông thôn mới phải đi vào thực chất chứ không dựa trên số liệu báo cáo” là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Chính phủ- Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia Vương Đình Huệ tại hội nghị Tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ giai đoạn 2010- 2020 diễn ra vào sáng nay tại tỉnh Bạc Liêu.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, xây dựng nông thôn mới phải đi vào thực chất chứ không phải dựa trên số liệu báo cáo. |
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 7/2019, vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có 874/1.731 xã được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới, chiếm hơn 50%.
Trong 10 năm xây dựng Nông thôn mới, các địa phương đã chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng nên phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn có chuyển biến rõ nét, nhất là trong tổ chức sản xuất và chất lượng đời sống, sinh hoạt cho người dân.
Đến nay, gần 100% số xã vùng ĐNB có đường giao thông đến huyện, đường trục xã; 98% đường trục thôn được bê tông, nhựa hóa...; vùng ĐBSCL có 97% số xã có đường đến huyện, gần 97% đường trục xã được bê tông, nhựa hóa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa quy mô lớn, đồng thời góp phần thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào khu vực nông thôn, kể cả ở các vùng sâu, vùng xa.
Những kết quả này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong năm ngoái, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở vùng ĐNB hơn 51 triệu đồng, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010, vùng ĐBSCL là gần 37 triệu đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2010, cao hơn bình quân cả nước.
Ông Trần Văn Thống – người dân ở xã Phước Long, huyện Phước Long, tĩnh Bạc Liêu phấn khởi cho biết: “Từ ngày có phong trào phát động nông thôn mới, người dân chúng tôi được hưởng rất nhiều. Đường sá, cầu cống rất thông thoáng. Về cái việc điều tiết nước phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản rất là tốt. Người dân chúng tôi hưởng được rất là nhiều từ Chương trình nông thôn mới”.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng Nông thôn mới của hai vùng còn nhiều hạn chế, chưa phản ánh hết tiềm năng, lợi thế và một số tỉnh có dấu hiệu chững lại; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn 7% so với bình quân chung của cả nước; hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tuy có bước phát triển nhưng thiếu tính đồng bộ, nhỏ hẹp chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa; một số công trình phúc lợi xã hội chưa được quan tâm đúng mức; vấn đề ô nhiễm môi trường ở một số địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, việc thu gom, xử lý chất thải gặp nhiều khó khăn;...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới của hai vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là việc huy động sức dân trong xây dựng Nông thôn mới. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là ưu tiên nguồn lực cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
“Kết cấu hạ tầng ở ĐBSCL thích ứng với Biến đổi khí hậu thì chúng ta cần phải nghiên cứu về khoa học công nghệ, rồi áp dụng cơ chế riêng như thế nào và định mức kinh phí như thế nào. Từ vật liệu, kết cấu và các giải pháp về kỹ thuật nó cũng khác. Với năm mươi triệu đồng có thể cất được cái nhà tình nghĩa ở khu vực nền đất cứng như ở Đông Nam bộ, nhưng ĐBSCL sao làm nổi?!”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Xây dựng nông thôn mới phải đi vào thực chất chứ không phải dựa trên số liệu báo cáo. Cần rà soát lại các tiêu chí để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của từng vùng, từng địa phương; tập trung phát triển hợp tác xã kiểu mẫu; nâng chất các tiêu chí về y tế, giáo dục, giữ gìn phát huy các giá trị văn hoá, bản sắc dân tộc./.