Các địa phương nỗ lực khắc phục mưa lũ
VOV.VN -Các địa phương đang nỗ lực khắc phục mưa lũ, tìm kiếm người mất tích, ổn định đời sống nhân dân.
Một ngày sau mưa lũ, ngày 21/7, các lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái đang cố gắng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân.
Chứng kiến những bản làng tiêu điều, xơ xác, những gương mặt thất thần sau lũ, những giọt nước mắt đắng chát hoà lăn dài trong mưa, những giấc ngủ, bữa ăn tạm bợ của người dân trên đống hoang tàn đổ nát càng làm thêm quyết tâm của các lực lượng chức năng.
Lũ quét qua tàn phá ruộng vườn ở Yên Bái |
Một ngày khi cơn lũ được cho là rất bất ngờ quét qua, suối Nậm Mười vẫn ầm ào dòng nước đỏ ngầu, hung dữ, chia cắt đôi bờ. Bên này suối, thôn 10, người dân cần mẫn bới móc, vớt vát lại từng món đồ đạc lẫn trong đống bùn cát, đất đá. Những chiếc xe máy giờ chỉ như đống sắt vụn, những đồ dùng lập lờ trôi trên vũng nước không mấy chiếc còn sử dụng được, những bao thóc vừa gặt giờ dầm mình trong lũ chẳng thể còn say sát... Biết là chẳng thể cứu vẫn nhưng người dân nơi đây vẫn cố gắng đào bới, kiếm tìm như hi vọng vớt vát chút nào.
Nhiều tài sản bị vùi lấp dưới lớp bùn đất. |
Cũng như hàng chục hộ dân chạy thoát lên đồi sau khi lũ ập về, chị Đào Thanh Dung và anh Hà Văn Đăng nhờ người thân và lực lượng chức năng bới tìm bao thóc.
Lần dở từng chiếc lạt, nhìn thóc lúa bệt màu bùn đất, nước mắt chị cứ thế rơi dài, hoà lẫn những giọt mưa đang rơi vẫn rất dầy hạt. Hơn 7 tấn thóc đã hỏng hết. Máy sát thóc, xe máy, ti vi, tủ lạnh, ngay cả manh áo cũng không kịp chạy, giờ tay trắng phải ăn nhờ, ngủ tạm nhà họ hàng.
Chị Đào Thanh Dung buồn bã nói: “Có lấy ra được gì đâu, nước về thì chỉ chạy ra được người thôi chứ không chạy được thứ gì ra, chạy được người là may mắn lắm rồi, mất 7 tấn thóc và 2000 lít rượu, máy móc đồ đạc cũng trìm trong nhà hết. Bây giờ thì mong được nhà nước hỗ trợ”.
Sáng 21/7, Chủ tịch tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy và lãnh đạo quân khu 2 đã vào hiện trường từ sớm. Ưu tiên trước mắt của tỉnh và lực lượng hỗ trợ lúc này là tìm kiếm người mất tích, khi còn 8 người dân vẫn chưa có thông tin. Qua một ngày nỗ lực hết sức, các lực lượng đã tìm thấy 7 người dân đưa về nơi an toàn, đây là sự động viên khích lệ lớn để các lực lượng tiếp tục triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn với hi vọng con số thương vong ở mức thấp nhất. Tỉnh Yên Bái cũng đã hỗ trợ tiền cho các gia đình có người bị nạn, cấp gạo cho các hộ bị mất hết tài sản, bố trí tạm chỗ ở cho người dân.
Hiện nay, còn 3 xã bị cô lập, các lực lượng chức năng đang nỗ lực tiếp cận để trợ giúp bà con cũng như thực hiện cứu hộ là xã An Lương, Sùng Đô, Nậm Mười (huyện Văn Chấn).
Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, ngoài ưu tiên cho huyện Văn Chấn, trọng điểm mưa lũ, tỉnh cũng triển khai đến các địa phương khác cũng bị thiệt hại tương đối nặng nề: “Trước tình hình mưa lũ thì tỉnh uỷ Yên Bái đã quyết định dừng tất cả các cuộc hỏi của tỉnh uỷ và UBND tỉnh, phân công các đồng chỉ trong thường trực tỉnh uỷ, thường trực UBND tỉnh, các đồng chí trong ban thường vụ phụ trách các huyện trực tiếp xuống huyện để chỉ đạo. Ở các huyện, thành phố, thị xã cũng phân công các đồng chí lãnh đạo xuống trực tiếp các xã để chỉ đạo chính quyền và nhân dân các xã khắc phục hậu quả mưa lũ...”.
Theo số liệu mới nhất từ các địa phương trong tỉnh Yên Bái báo về, toàn tỉnh đã có 10 người chết, 8 người mất tích, 12 người bị thương. Gần 3.900 nhà bị thiệt hại, hơn 1200 con gia súc, gia cầm bị chết… Thiệt hại về nhà cửa và tài sản khoảng 200 tỷ đồng. Những thiệt hại của tỉnh Yên Bái có thể còn tăng khi lực lượng chức năng tiếp cận được các vùng bị cô lập.
Sơn La khắc phục trong điều kiện nhiều nơi còn mưa rất to
Công tác khắc phục hậu quả trận mưa lũ và tìm kiếm người còn mất tích ở các địa phương tâm lũ của tỉnh Sơn La đang gặp rất nhiều khó khăn do giao thông chia cắt, nhiều nơi còn mưa to đến rất to.
Công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại Phù Yên rất khó khăn do vẫn có mưa to. |
Tại bản Văn Cơi, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên từ sáng sớm 21/7, chính quyền huyện, xã đã huy động gần 300 người cùng máy móc đào bới, tìm kiếm nạn nhân mất tích là ông Nguyễn Văn Ngọc. Đến hơn 10 sáng 21/7 đã tìm thấy thi thể nạn nhân. Ngay sau đó, chính quyền địa phương và bà con hàng xóm đã hỗ trợ gia đình mai táng cho nạn nhân theo phong tục địa phương. Cùng với đó, việc di dời người và tài sản cho các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đang được triển khai tích cực.
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Cơi cho biết: “Bây giờ trên địa bàn xã có 6 hộ đang cần di dời và hiện chúng tôi đã huy động bà con di chuyển và tài sản thì di chuyển trước. Hiện trên này vẫn đang mưa to và nguy cơ sạt lở thì còn tiềm ẩn rất nhiều”.
Từ chiều và đêm 20/7, mưa vẫn không ngớt, song ngay trong đêm, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã di dời người và tài sản của 12 hộ dân bản Hua Tai và Pa Cốp, xã Vân Hồ ra khỏi khu vực nước ngập cao. Diễn biến thời tiết hiện nay tại đây rất phức tạp, nhiều xã bị chia cắt, ngập úng vì mưa lũ.
Đến hơn 10h sáng 21/7 đã tìm thấy thi thể ông Nguyễn Văn Ngọc ở bản Văn Cơi, xã Mường Cơi |
Ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vân Hồ nói: “Hiện nay, trên các suối nước đang dâng cao. Trên Quốc lộ 6 đoạn qua huyện có 2 điểm tắc, ngập úng và cả một bản Lóng Luông cũng đang trong tình trạng ngập úng. Các đoàn của huyện đã bố trí lực lượng di dời người và tài sản cho bà con khỏi vùng sạt lở. Tất cả các xã cũng đang triển khai việc rà soát và di dời dân, tuy nhiên một số xã bị ảnh hưởng chưa thể đến được do mưa rất to và lũ lớn”.
Mưa lớn kéo dài, khiến nhiều tuyến giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều tảng đá lớn sạt xuống đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là trên quốc lộ 6, đoạn từ huyện Mộc Châu đến Yên Châu.
Phú Thọ chủ động ứng phó mưa lũ
Từ đêm 20/7 đến sáng 21/7, do mưa lớn nội vùng cộng với lũ thượng nguồn song Thao cùng với việc mở cửa xả nước sông Đà nên mực nước tại các sông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều dâng cao. Đăc biệt nhiều tuyến đê bao đã bị tràn hàng km gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân.
Cùng đoàn kiểm tra thực tế công tác khắc phục mưa lũ tại huyện Tam Nông, ông Nguyễn Hùng Sơn, Chánh văn phòng Ủy ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ cho biết, tại đây do mực nước lên cao đã làm hàng chục nhà dân bị ngập. Hơn 20 hộ dân thuộc khu vực bãi sông xã Tề Lễ đã được di dời vào nơi an toàn. Hiện nay, Chính quyền địa phương đang khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn, tránh thiệt hại có thể xảy ra.
Về hơn 700 hộ dân dọc hai bên bờ Sông Thao và các xã có ngòi tiêu lớn có nguy cơ bị ngập, ông Nguyễn Hùng Sơn cho biết: “Từ hôm qua cho đến đêm hôm qua đã cơ bản di dời hết những hộ sống ở ven sông có nguy cơ ngập úng là đã di dời hết. Đảm bảo việc không ảnh hưởng đến người do không di dời kịp”.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc, ngày 21/7, mực nước trên sông Thao tại Ấm Thượng, thị xã Phú Thọ tiếp tục lên nhanh; tình hình thời tiết, mưa, lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, người dân cần chủ động không đi lại những khu vực có nguy cơ tránh thiệt hại xấu có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Hùng Sơn, Chánh văn phòng Ủy ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ khuyến cáo: Người dân phải hết sức bình tĩnh và theo sự hướng dẫn chỉ đạo của cơ quan chuyên môn để bảo đảm làm sao mà chúng ta trình tự để di dời người và tài sản. Người trước, tài sản sau để đảm bảo công việc cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo không gây thiệt hại, ít thiệt hại nhất tới người và tài sản của người dân./.
Ảnh: Lũ quét tàn phá Yên Bái
Mưa lớn ở Quảng Ninh, Quốc lộ 18 ngập sâu đến 1,5m
Mưa lớn, hàng chục ngôi nhà ở Sơn La ngập, sụp đổ, 1 người mất tích
Áp thấp nhiệt đới khiến Bắc Biển Đông mưa dông mạnh
Mưa lũ ở Yên Bái làm 9 người chết, trên 3.000 ngôi nhà bị thiệt hại