Cần Thơ: Hàng trăm mét khối nước thải bệnh viện không được xử lý
Thứ Tư, 14:57, 12/10/2016
VOV.VN -Nước thải y tế phát sinh hàng ngày là hơn 1.500 m3, nhưng chỉ xử lý được hơn 1.300 m3.
Đến nay, tất cả các bệnh viện trên địa bàn Cần Thơ, đã thực hiện phân loại, thu gom và vận chuyển rác theo đúng quy định. Tuy nhiên, phần lớn các bệnh viện lại chưa có lò đốt chất thải rắn, nên các cơ sở y tế phải hợp đồng với các doanh nghiệp vận chuyển thu gom xử lý chất thải y tế theo quy định.
Ảnh minh họa.
Hiện lượng nước thải y tế của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Cần Thơ phát sinh hàng ngày là hơn 1.500 m3, nhưng chỉ xử lý được hơn 1.300 m3. Cùng với đó, vấn đề trở ngại trong việc hợp đồng xử lý chất thải rắn nguy hại tại các đơn vị y tế hiện nay là thu gom rác không đúng thời gian quy định, giá thành cao, việc xử lý nước thải y tế ở hệ thống tư nhân, phòng khám và các trạm y tế chưa được tăng cường kiểm soát, chi phí đầu tư cho xử lý chất thải y tế ở các đơn vị rất lớn.
Giải quyết thực trạng này, bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới, hiện Cần Thơ đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế ở bệnh viện gồm: Bệnh viện quận Ô Môn, Bệnh viện Phụ sản và Bệnh viện Y học cổ truyền… Song song đó, thành phố cũng đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế bằng nguồn ngân sách địa phương cho 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Tai – Mũi – Họng và Bệnh viện Mắt – Răng Hàm Mặt.
Tại buổi làm việc mới đây với Thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị trong thời gian tới, Cần Thơ phải loại bỏ ngay tất cả các lò đốt rác 1 buồng ở các trạm y tế và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn để tránh gây ô nhiễm môi trường: “Theo quy chuẩn chung, chúng ta phải loại bỏ các buồng đốt 1 buồng. Buồng đốt 1 buồng phải dừng và đưa ra một cơ chế có thể, cho hợp đồng thu gom. Rác thải y tế nguy hại phải xử lý. Còn đối với các chất thải tái sử dụng như chai, lọ, một số khác không gây độc tế bào có thể tái sử dụng. Và tái sử dụng phải giải thích để cung cấp thông tin. Bởi người dân cứ nghĩ tất cả những thứ đấy là chất thải y tế, không phải, thì được tái sử dụng thôi”./.