Chỉ cần bị cho “nhìn đểu” cũng xảy ra đánh lộn giữa học sinh
VOV.VN -Nhiều học sinh vì bạo lực học đường mà sợ không dám đến trường, bỏ học, không dám nói với thầy cô vì sợ bị trả thù.
Trong diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ 5/2017 diễn ra mới đây, hơn 200 trẻ em đến từ 48 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thảo luận và nói lên tiếng nói của bản thân về các vấn đề liên quan đến phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Nhóm trẻ em nói về bạo lực đối với trẻ em.
Em Vũ Thu Trang, đoàn Thanh Hóa đem đến chương trình những thông điệp về việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực. Trang cho biết: “Bạo lực học đường vẫn luôn diễn ra và rình rập chúng em mọi lúc mọi nơi. Đơn giản chỉ là một cái "nhìn đểu" cũng có thể gây ra một vụ đánh nhau giữa các học sinh. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra trong trường học mà nó còn rình rập trên đường đến trường… Nhiều vụ việc thầy cô không thể biết và các bạn là nạn nhân cũng không dám nói với thầy cô giáo hay gia đình vì sợ bị trả thù. Em từng biết nhiều bạn vì bạo lực học đường mà sợ không dám đến trường, bỏ học”.
Không chỉ có bạo lực học đường, nhiều trẻ em còn đang bị bạo lực ngay trong chính gia đình của mình. Em Trần Phương Ly, học sinh lớp 9 ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa cùng các bạn mang đến thông điệp “đòn roi không dạy trẻ nên người, yêu thương lớn hơn mọi sự quát mắng” với mong muốn sẽ được các bậc cha mẹ, các ngành chức năng quan tâm, lắng nghe, cùng hành động để xây dựng một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em. Ly cho biết: “Do kinh tế khó khăn, hiểu biết của người dân ở vùng nông thôn quê em còn hạn chế, nhiều người bạn của em thường xuyên bị bố mẹ quát mắng, đánh đập, có bạn còn bị bố uống rượu say rồi đánh chửi”.
“Qua thảo luận em và các bạn đều thấy rằng bạo lực gia đình và bạo lực trẻ em trong gia đình là hành vi cần ngăn chặn. Bạo lực sẽ tác động rất lớn tới tâm lý, thể chất của trẻ em. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ em, do vậy chúng em kiến nghị tới địa phương và cấp lãnh đạo mong được quan tâm hơn. Hy vọng, người lớn, bố mẹ những bạn thường gây bạo lực, hoặc bạo lực với chính các bạn ấy phải nhìn nhận lại”, Ly bày tỏ.
Theo báo cáo can thiệp về bạo lực trẻ em của đường dây tư vấn 18001567 cho thấy trong số các hình thức bạo lực mà các em phải gánh chịu thì bạo lực về thể chất là nhiều nhất chiếm 91.7%. Tiếp đó là bạo lực tinh thần chiếm 6,9% và chứng kiến bạo lực chiếm 1,4%. Trong đó, bạo lực gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất. Gần 70% số trẻ em bị bạo lực là do bạo lực trong gia đình. Người gây bạo lực nhiều nhất trong gia đình là người bố.
Bà Đào Hồng Lan - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, bạo lực đối với trẻ em vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt là bạo lực gia đình. Điều đáng nói, nhiều bố mẹ vẫn cho rằng, mình có quyền dạy bảo, đánh mắng con. Họ có những quan điểm sai lầm rằng “thương cho roi cho vọt” thì con mới nên người. Điều này cần tuyên truyền để xóa bỏ, giúp cha mẹ nhận thức được, đánh mắng con không chỉ làm tổn hại thân thể, tinh thần lâu dài cho các em mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Thông qua diễn đàn, Thứ trưởng khuyến khích các em nói lên tiếng nói về các vấn đề liên quan tới các em như vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục... Thứ trưởng cũng mong muốn, các Bộ, ngành cần tạo cơ hội để cho trẻ em được tiếp cận thông tin, được bày tỏ ý kiến nguyện vọng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lắng nghe, đáp ứng những ý kiến nguyện vọng của các em./.
Nghe trẻ em nói về phòng, chống bạo lực xâm hại
Bạo lực gia đình, buôn bán, xâm hại phụ nữ vẫn rất nhức nhối
Cần ngăn ngừa hơn nữa tình trạng bạo lực gia đình