Chuyện của những người chăm sóc thương binh nặng ở Nghệ An

VOV.VN - Thời gian qua, những cán bộ, nhân viên chăm sóc thương binh nặng thầm lặng cống hiến thể hiện trọn vẹn đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa.

Ấn tượng nhất trong buổi trò chuyện với các nhân viên thuộc Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An là một điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hằng Nga.

Hằng Nga quê ở huyện Nam Đàn, học xong Cao đẳng Y khoa Vinh thì xin vào làm việc tại trung tâm. Gắn bó 10 năm với nghề, không quản mệt nhọc vất vả, Hằng Nga thấy ngày càng yêu nghề của mình và nguyện sẽ gắn bó suốt đời. 

Hằng Nga chia sẻ, vì trong gia đình cũng có người thân là thương binh nên rất hiểu nỗi đau mất mát của những thương binh nặng ở đây. Đều đặn hàng ngày, các thương binh phải tiêm thuốc, kiểm tra sức khỏe, nếu nặng thì phải đưa sang Bệnh viện Quân y 4 để chữa trị. Hiện còn 4 người đang nằm viện và luôn có nhân viên của Trung tâm phải đi cùng, nhiều người không ai biết nên nghĩ nhân viên là người nhà bệnh nhân.

Sống trong mái ấm luôn tạo sự lạc quan cho các thương binh nặng.

"Có làm đây mới hiểu được, chứ nói nhiều khi người ngoài không thể hiểu được cái sự đau thương của các bác; Về đời sống hàng ngày của các bác khó khăn như thế nào, từ sinh hoạt cho đến ăn uống tắm giặt, có những bác, nhân viên phải làm hoàn toàn. Nhưng bọn em cũng không ngại khó khăn gian khổ mà cảm thấy mình rất là vinh dự được làm việc tại đơn vị này, để mà được cống hiến phần nhỏ bé của mình đối với sự hi sinh mất mát của các bác đã cống hiến cho tổ quốc, để có cuộc sống bình yên ngày hôm nay", điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hằng Nga nói. 

Nhờ sự chăm sóc tận tình của tập thể cán bộ nhân viên mà những thương bệnh binh nặng như được tiếp thêm nghị lực để vượt qua thương tật. Ông Ngô Xuân Kiện, ở phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, tỷ lệ thương tật 95%, chia sẻ, sống trong tình yêu thương nên ông luôn lạc quan yêu đời và chính tình thương yêu ấy hơn cả những liều thuốc.

Không chỉ là làm công tác điều dưỡng mà còn chăm sóc sinh hoạt hàng ngày cho thương binh.

"Vui lắm, những lúc ốm đau, nằm trên giường bệnh, tôi vẫn hát cho anh em nghe bài ca về cách mạng, như là “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Cô gái mở đường”, “Đường cày đảm đang”... Hát những bài ca cách mạng đó để các anh các chị vơi bớt những vết thương, vơi bớt những nỗi đau trong thân thể của mình", ông Kiện cho hay.

Thương binh Nguyễn Văn Diện gắn bó trung tâm đã 40 năm, có tỷ lệ thương tật 97%, mất cả hai chân ở chiến trường, lại còn bị thương nặng ở đầu, cổ. Hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, hai người con gái thì 1 người đi bộ đội, 1 người nhiễm chất độc Da cam.

Ông Nguyễn Văn Diện chia sẻ: "Đều tốt cả, các cháu vào đây giống như con cái của chúng tôi, coi chúng tôi như người cha người mẹ của họ cả, luôn vui vẻ phục vụ. Tôi về đây điều dưỡng 40 năm rồi, thương tật nặng, bữa nay đau, mai lại đau, tôi coi đây là ngôi nhà duy nhất cho đến khi chết".

Xuất phát từ cái tâm của mình, các cán bộ nhân viên đều coi thương binh là người thân của mình. Có ở đây thì mới hiểu được những nỗi đau thương tật hàng ngày mà các thương bệnh binh phải chịu đựng, bởi nhiều lúc đêm hôm, những cơn đau vật vã, không có người thân thích nào hết ngoài nhân viên. 

Ông Nguyễn Thiếu Lâm, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng Thương binh Nghệ An cho biết, đối với Trung tâm có 38 cán bộ viên chức, thì công tác quán triệt, giáo dục ý thức trách nhiệm cho mỗi người luôn phải là công tác thường xuyên, để góp phần “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người đã cống hiến cuộc đời mình cho tổ quốc hôm nay./.



Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên