Có nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia?
VOV.VN -Ý kiến của các chuyên gia về kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn tập trung vào 2 phương án gồm: vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và hủy kỳ thi.
Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 2 lần điều chỉnh thời gian kết thúc năm học và tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia, nhưng đến nay, học sinh vẫn chưa thể trở lại trường học vì dịch bệnh diễn biến khó lường. Dù Bộ đã lùi thời điểm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đến giữa tháng 8, nhưng các chuyên gia giáo dục vẫn đề xuất nhiều phương án khác nhau cho kỳ thi này, thậm chí có cả phương án trong tình huống xấu nhất đó là không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Ý kiến của các chuyên gia về kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn tập trung vào 2 phương án gồm: vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và hủy kỳ thi. Với phương án vẫn tổ chức kỳ thi, các chuyên gia đề xuất kỳ thi THTP quốc gia năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể tổ chức giống như như mọi năm nếu dịch Covid- 19 tiếp tục kéo dài mà cần có sự điều chỉnh về thời gian thi, số lượng môn thi, nội dung đề thi … sao cho phù hợp với điều kiện học tập của học sinh. Lý do là kỳ thi này không chỉ để xét tốt nghiệp mà học sinh còn dùng kết quả để xét tuyển đại học, cao đẳng, sẽ không gây xáo trộn nhiều cho học sinh.
Ông Đặng Đình Kỳ, Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 5, tỉnh Nghệ An cho rằng: "Theo quan điểm của tôi thì kỳ thi THPT quốc gia nên tiếp tục. Thực tế giáo viên và học sinh đang quen dần với việc học trực tuyến. Dịch bệnh có thể chưa biết khi nào dừng nhưng có thể phương án thi thì tôi nghĩ rằng có thể sử dụng phương án này hay phương án khác vẫn phải triển khai để đánh giá kết quả của học sinh sau quá trình học tập".
Ông Đỗ Tiến Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc nêu ý kiến: "Tôi nghĩ là trước hết chúng ta phải thực hiện đúng quan điểm của Chính phủ trong phòng chống dịch thì mình phải lấy cái ưu tiên chống dịch trước, nhưng mà vẫn phải tổ chức việc học cho học sinh trên nhiều phương tiện để học sinh có thể có kiến thức, để khi mà quay trở lại thì có thể kỳ thi diễn ra bình thường. Có thể diễn ra muộn hơn một chút so với các năm trước hoặc yêu cầu có thể thấp hơn nhưng kỳ thi không thể bỏ được, vì như thế sẽ bị nhỡ và dồn lại cho kỳ thi năm sau".
Một nhóm ý kiến khác thì cho rằng, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vì điều kiện dạy và học của học kỳ 2 năm học 2019-2020 không đảm bảo chất lượng. Với phương án không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhưng học sinh vẫn phải được cấp bằng tốt nghiệp THPT, do đó nhiều ý kiến đề xuất giao việc tổ chức thi tốt nghiệp, hoặc xét tốt nghiệp THPT cho các địa phương, còn việc tuyển sinh đại học, cao đẳng để các trường tự tổ chức. Lý do là hiện các trường đại học, cao đẳng có nhiều phương thức để xét tuyển sinh chứ không nhất thiết phải xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Khi đó, các học sinh cũng sẽ phải tự tìm hiểu thông tin về phương án tuyển sinh mới của các trường để học và thi cho phù hợp, sẽ gây sự xáo trộn không nhỏ trong quá trình học, ôn tập, đăng ký xét tuyển của học sinh.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm này còn quá sớm để quyết định việc có tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 hay không. Bởi kỳ thi đánh giá chất lượng trước khi học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đã được nêu trong Luật Giáo dục. Trong thời điểm dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xây dựng các kịch bản khác nhau cho kỳ thi này tùy vào diễn biến của dịch Covid-19, kể cả kịch bản là không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Ông Trần Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội cho rằng, việc có tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay hay không còn tùy thuộc vào thời gian học sinh quay trở lại trường học. Vì vậy ông đề xuất 3 phương án cho kỳ thi này: "Nếu như hết tháng 4 này mà hết dịch, học sinh trở lại trường học thì tôi nghĩ là vẫn nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 4 môn thi. Còn nếu dịch kéo dài đến hết tháng 5 thì theo tôi nên thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, nên bỏ môn thứ 4. Nếu hết tháng 5 vẫn còn dịch thì chúng ta không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nữa. Tất nhiên việc không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm học này thì đòi hỏi phải có sự đồng ý của Quốc hội. Như vậy có lẽ là Bộ Giáo dục nên chuẩn bị các phương án khác nhau trong đó có phương án không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia".
Cùng chung quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, nếu không tổ chức một kỳ thi đánh giá toàn bộ quá trình học tập của học sinh thì các em sẽ xao nhãng việc học tập. Vì vậy, Bộ nên xây dựng thêm các phương án lùi thời gian tổ chức kỳ thi theo diễn biến của dịch bệnh. Trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp luôn đạt trên 90%, nên về lâu dài, Bộ nên tính đến phương án bỏ kỳ thi THPT quốc gia và trao quyền xét tốt nghiệp cho các trường phổ thông, hoặc các địa phương
"Bộ nên nghiên cứu phương án này thì sẽ không bị động, tức là tùy thời gian dịch kéo dài hay ngắn mà chúng ta đưa ra chương trình chỉ đạo cho phù hợp mà chúng ta đảm bảo chương trình tối thiểu ấy chúng ta kiểm soát được và thầy và trò phải học một cách nghiêm túc và có chất lượng để mỗi nhà trường phải tự chịu trách nhiệm về kết quả đào tạo của mình. Còn không lo cho trường đại học vì trường đại học người ta có nhiều cách kiểm tra chọn lọc sinh viên chứ không chỉ có thi mới chọn lọc được sinh viên. Chính cái thi của chúng ta chọn lọc sinh viên cũng chưa phải tốt nhất", thầy Lâm nói.
Hiện nay, thi THPT quốc gia vẫn là hình thức duy nhất để công nhận tốt nghiệp đối với học sinh, theo Luật Giáo dục hiện hành hay Luật Giáo dục mới có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Nếu muốn hủy kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình, tham mưu phương án bỏ thi lên Chính phủ. Theo các chuyên gia, cả hai phương án (vẫn tổ chức hay hủy kỳ thi) đều có những thiệt hại nhất định đối với cơ sở giáo dục và học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tranh thủ thời gian xây dựng các kế hoạch phù hợp với diễn biến khác nhau của dịch Covid-19 để ít gây thiệt hại nhất đối với cả cơ sở giáo dục và học sinh./.