Đà Nẵng sẽ giảm khoảng 2.000 người tại các đơn vị sự nghiệp công
VOV.VN -Năm nay, Đà Nẵng từng bước sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm biên chế và tinh gọn cơ cấu các tổ chức.
Sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào năm 1997, thành phố Đà Nẵng thành lập một số đơn vị sự nghiệp đặc thù, không nằm trong quy định chung.
Các đơn vị này chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng, giao thông, công thương, kế hoạch và đầu tư… Đó là các Đội kiểm tra quy tắc đô thị, Lực lượng Thanh niên xung kích, các Ban giải tỏa, đền bù, tái định cư, các Ban quản lý dự án ...
Danh thắng Ngũ Hành Sơn. |
Việc thành lập hàng loạt đơn vị sự nghiệp công lập đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thời điểm trước đây nhưng cũng làm cho bộ máy hành chính phình to. Năm nay, Đà Nẵng từng bước sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm biên chế và tinh gọn cơ cấu các tổ chức.
Chiều 11/9 vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng công bố thành lập Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Đà Nẵng trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị Trung tâm Tổ chức sự kiện và lễ hội; Trung tâm Phát hành phim chiếu bóng; Trung tâm Văn hóa thành phố.
Trước đó, Sở này cũng đã sáp nhập Trung tâm Quản lý Di sản vào Bảo tàng Đà Nẵng. Khi sáp nhập, Bảo tàng Đà Nẵng chủ động phối hợp Trung tâm Quản lý Di sản xây dựng Đề án, sắp xếp nhân sự và việc làm.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, đơn vị mới đã nhanh chóng ổn định và hoạt động nhịp nhàng hơn.
Sau khi sáp nhập, Bảo tàng Đà Nẵng (ảnh) bổ sung nguồn nhân lực có chuyên môn. |
Sau Bảo tàng Đà Nẵng, thành phố cũng đã tiến hành sáp nhập Trung tâm Giới thiệu việc làm khu công nghiệp trực thuộc Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất vào Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Theo Đề án “Sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố Đà Nẵng quản lý giai đoạn 2018 - 2021”, từ năm 2018 trở đi, về cơ bản thành phố giữ nguyên số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành giáo dục và đào tạo; từng bước giảm tỷ lệ trường học công.
Các cơ sở y tế được tổ chức theo hướng toàn diện, liên tục và lồng ghép theo 3 cấp: Chăm sóc ban đầu, chăm sóc cấp 2, chăm sóc cấp 3; Nghiên cứu tổ chức lại hệ thống cơ sở y tế điều trị công lập theo hướng “đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu”, không nhất thiết tổ chức theo đúng tuyến, cấp hành chính. Đây là 2 ngành có số lượng đơn vị hành chính sự nghiệp nhiều nhất trong số các sở, ngành.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp quận, huyện, thành phố Đà Nẵng yêu cầu ngay trong năm nay, việc giao, sử dụng chỉ tiêu số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập phải đảm bảo theo đúng loại hình, cơ chế tự chủ đã được phê duyệt. Riêng Ban quản lý chợ; các Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng; Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn; Làng đá mỹ nghệ Non Nước phải thực hiện quy định về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp tự chủ.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng cho biết: "Trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, có 8 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó 2 đơn vị Ban Quản lý Danh thắng Ngũ Hành Sơn và Ban Quản lý các dự án đầu tư đã tự chủ hoàn toàn, 2 đơn vị còn lại thì tự chủ một phần và tiến tới tự chủ hoàn toàn. Còn 4 đơn vị là Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Đội Kiểm tra Quy tắc đô thị và Đài Truyền thanh. Theo lộ trình, cuối năm nay, Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình sẽ sáp nhập vào Trung tâm Y tế quận. Tất cả mọi việc đều thực hiện thuận lợi và đúng theo quy định".
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp. Sau đó, Sở Nội vụ thẩm định và trình UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt. Trong đề án này phải nêu rõ cơ cấu tổ chức bên trong và nhân lực trong các tổ chức đó, làm thế nào việc sáp nhập bao quát được nhiệm vụ, không ảnh hưởng đến điều hành chung. Yêu cầu đặt ra là số lượng đơn vị cơ cấu bên trong phải đảm bảo không tăng.
Ông Võ Ngọc Đồng khẳng định, việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập không phải làm theo phép cộng cơ học mà có sự sắp xếp lại theo hướng tinh gọn và hiệu quả hơn: "Khi nhập vào thì xây dựng cơ cấu bên trong và xây dựng vị trí việc làm, kèm theo vị trí việc làm là tiêu chuẩn chức danh. Làm thế nào đó khi sáp nhập vào đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, không tăng lực lượng gián tiếp mà tăng lực lượng người làm trực tiếp để điều hành các công việc".
Năm 1997, thành phố Đà Nẵng có 197 đơn vị sự nghiệp công lập nhưng đến cuối năm ngoái đã tăng lên 409 đơn vị. Số người làm việc tăng từ 9.300 người lên hơn 22 ngàn người. Theo đó, ngân sách của thành phố Đà Nẵng cấp chi thường xuyên hơn 6.000 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng chi ngân sách. Trong đó, chi tiền lương cho bộ máy khối sự nghiệp chiếm 80%. Do đó, việc sắp xếp, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập sẽ góp phần cân đối ngân sách, tăng chi đầu tư phát triển kinh tế.
Từ nay đến năm 2021, thành phố Đà Nẵng phấn đấu giảm 28 đơn vị sự nghiệp công lập. Theo lộ trình đến năm 2021, giảm ít nhất 2.000 người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua việc tăng tự chủ, chuyển nguồn chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước bao cấp sang nguồn thu dịch vụ./.
Đối tượng nào thuộc diện tinh giản biên chế theo NĐ mới của Chính phủ?
Vì sao đang tinh giản biên chế vẫn lập Tổng Cục phòng chống thiên tai?
Tăng lương, tinh giản biên chế: Lo thải người giỏi, giữ người kém!