Trong khi các bệnh viện tuyến cuối trong nội thành nhiều năm qua liên tục quá tải, TPHCM đã điều chỉnh bằng cách tăng cường đầu tư phát triển cho các bệnh viện ở ven đô, nhằm phục vụ người dân địa phương và các tỉnh lân cận. Việc làm này đang từng bước chứng minh hiệu quả, vừa giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối vừa tạo thuận lợi cho người dân.
|
Bệnh viện huyện Củ Chi. (Ảnh: Infonet) |
Bệnh viện huyện Củ Chi nằm trên địa bàn cách trung tâm TPHCM hơn 50 km về phía Tây Bắc. Không nằm trong khu dân cư đông đúc như các bệnh viện quận huyện khác, nhưng tại đây, vào mỗi sáng sớm vẫn nhộn nhịp người tới khám bệnh. Không quá tải như các bệnh viện lớn, không gian rộng rãi, thoáng mát, mỗi người dân đều có ghế ngồi chờ đến lượt và không phải ngồi chờ lâu... là những thuận lợi đầu tiên mà người dân có thể thấy ngay được.
Chị Nguyễn Ngọc Liễu, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi cho biết: “Mỗi lần bệnh trước, tôi hay phải xuống Sài Gòn khám, đường rất xa xôi. Còn bây giờ có bệnh viện hiện đại thế này khám ở đây cho tiện lợi”.
Bệnh viện huyện Củ Chi được xây mới lại và đi vào hoạt động từ năm 2016. Ban đầu, mặc dù cơ sở mới xây khang trang, sạch đẹp nhưng số lượng bác sĩ quá ít, cơ sở vật chất còn yếu kém nên người dân chưa tin tưởng đến khám chữa bệnh. Tuy nhiên, đến nay người dân xung quanh đã chủ động đến đây khám bệnh ngày càng đông hơn.
Bác sĩ Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi cho biết: Các bệnh viện lớn như: Từ Dũ, Nhân dân Gia Định, Nhi đồng 1, Mắt, Tai mũi họng… đã triển khai đặt khoa vệ tinh, phòng khám vệ tinh tại bệnh viện, chuyển giao khoa học công nghệ, liên tục cử y bác sĩ có chuyên môn đến khám bệnh và đào tạo cho nhân lực tại chỗ. Hiện số lượt khám đã gần 600 lượt mỗi ngày, tăng gấp 4 lần so với trước, bệnh nhân điều trị nội trú cũng tăng gần gấp đôi.
Bệnh viện cũng được trang bị các thiết bị y khoa hiện đại như: máy X- quang kỹ thuật số DR, máy đo loãng xương, các máy sinh hóa, huyết học, miễn dịch, phòng mổ đạt chuẩn và phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp II… Bệnh viện cũng đã có đơn vị chạy thận nhân tạo với 10 máy, giải quyết cho rất nhiều nhu cầu của người bệnh tại địa phương.
Bác sĩ Hồ Hải Trường Giang nói: “Hiệu quả công suất giường bệnh, chỉ số khám chữa ngoại trú, một số chương trình chăm sóc sức khỏe triển khai đều thành công. Đặc biệt là người dân đã tin tưởng về việc mổ, nếu quá khó, vượt quá khả năng, nếu không mời được bệnh viện tuyến thành phố được thì mới chuyển đi. Còn đa số về cơ bản điều trị được về sản khoa, ngoại khoa. Bây giờ tỉ lệ chuyển tuyến rất thấp”.
Còn Bệnh viện quận Thủ Đức đã là điểm đến tin cậy của người dân trong quận và cả người dân ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ chỉ vài trăm lượt khám bệnh, hiện nay, Bệnh viện quận Thủ Đức đã trở thành một trong những bệnh viện có số lượng lượt khám bệnh đông nhất của TPHCM với gần 6.000 lượt bệnh nhân mỗi ngày. Là bệnh viện tuyến quận, ven thành phố nhưng bệnh viện này đã thực hiện hầu hết các danh mục kỹ thuật theo phân tuyến và tuyến trung ương như: Phẫu thuật chấn thương sọ não, phẫu thuật các chấn thương gãy cột sống, kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt gan, phẫu thuật nội soi lách bệnh lý, dẫn lưu đường mật xuyên gan qua da…
Theo Bác sĩ Nguyễn Minh Quân cho hay: “Mới đầu bệnh viện kêu gọi đầu tư liên doanh liên kết, đưa máy móc về cho bệnh viện, vay các tổ chức tín dụng để đầu tư các trang thiết bị cho bệnh viện. Có như vậy, các bác sĩ mới chú tâm khi làm tại bệnh viện quận Thủ Đức có trang thiết bị hiện đại để phát huy tay nghề của mình, còn người bệnh cũng yên tâm vì ở đây có trang thiết bị tốt mới yên tâm đến khám chữa bệnh”.
Còn Phó giáo sư Tiến sĩ, Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết thêm, đầu tư phát triển y tế cho các huyện ngoại thành và các quận cận nội thành là một trong những chủ trương lớn của thành phố, với mục tiêu giảm tải cho các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa. Cùng với việc xây mới, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, theo ông Tăng Chí Thượng, quan trọng nhất vẫn là nhân lực.
Bên cạnh việc đưa bác sĩ từ tuyến trên về hỗ trợ, ngành y tế thành phố cũng đã có chiến lược phát triển nguồn nhân lực nhằm đảm bảo các bệnh viện ngoại thành có đủ bác sĩ, điều dưỡng để có thể đảm trách được nghiệp vụ và chuyên môn phục vụ chữa bệnh trên địa bàn. Trước đây, ở bệnh viện huyện không tuyển được bác sĩ nào, thậm chí cứ mỗi năm có bác sĩ nghỉ việc. Nhưng dần dần, các bệnh viện quận, huyện đã khắc phục được tình trạng này.
Hiện nay, TPHCM cũng đang đầu tư xây dựng mới và sắp đưa vào hoạt động các bệnh viện ngoại thành, vùng ven khác như Bệnh viện huyện Bình Chánh, Bệnh viện huyện Cần Giờ, Bệnh viện huyện Hóc Môn với quy mô khá lớn… Cùng với việc phát triển tuyến bệnh viện ngoại thành, Sở Y tế thành phố cũng đã lên kế hoạch xây dựng khu kỹ thuật y tế chuyên sâu của thành phố. Đó là xây dựng các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ở các vùng ngoại thành, vùng cửa ngõ. Đây đều là những giải pháp phát triển vùng y tế ra phía ven đô, được kỳ vọng sẽ giúp đạt mục tiêu giảm tải vào cuối năm 2018./.