Dịch chồng dịch khiến các bệnh viện ở TP HCM quá tải
VOV.VN - Dịch chồng dịch đã khiến cho các bệnh viện nhi tại TP HCM rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng.
Từ đầu tháng 9 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đối diện với 2 dịch bệnh cùng gia tăng mạnh mẽ là sốt xuất huyết và tay – chân – miệng.
Dịch chồng dịch đã khiến cho các bệnh viện nhi tại thành phố rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng. Một giường có từ 3 đến 4 trẻ nằm chung là thực tế đang diễn ra tại các bệnh viện này.
Tình trạng bùng phát dịch sốt xuất huyết trong năm nay tuy đã được dự báo trước nhưng hiện tại, các bệnh viện chuyên khoa nhi tại Thành phố Hồ Chí Minh đều hết sức bất ngờ trước sự gia tăng lượng bệnh nhân đến khám.
Bệnh nhi điều trị các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi đồng 1 |
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1, số bệnh nhi đến khám và điều trị ngoại trú tăng đột biến bắt đầu vào 2 tuần cuối tháng 9.
Nếu như đầu tháng 9, trung bình mỗi ngày có khoảng 5.200 bệnh nhi khám ngoại trú cuối tháng 9, con số này đã tăng lên đến 6.200 người. Còn số bệnh nhi điều trị nội trú thì đã gia tăng mạnh ngay từ tháng 8.
Số bệnh nhi nằm điều trị nội trú mỗi ngày lên đến 2.100 ca – đó là con số cao nhất trong hơn 10 năm qua mà Bệnh viện Nhi đồng 1 ghi nhận được. Trong khi đó, số giường nội trú của bệnh viện chỉ là 1.400 giường. Số lượng bệnh nhi gia tăng đột biến đã khiến cho tình trạng quá tải tại Bệnh viện Nhi đồng 1 càng thêm trầm trọng, nhất là tại các khoa như Hô hấp, Nhiễm – Thần kinh, Sốt xuất huyết, Sơ sinh… khi mỗi giường bệnh có đến 3 hoặc 4 bệnh nhi nằm chung.
Chị Bùi Thị Ngân, ở huyện Hóc Môn có con nhỏ bị bệnh tay - chân - miệng cho biết: “Bệnh nhân vào đông lắm không có chỗ mà nằm. Một giường có khoảng từ 4-5 người nằm”.
Tình trạng gia tăng bệnh nhi một cách đột biến này cũng được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Trong tháng 8, trung bình có trên 5.000 bệnh nhi khám và điều trị ngoại trú nhưng đến những ngày cuối tháng 9, mỗi ngày có trên 7.000 bệnh nhi đến khám.
Số bệnh nhi điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đạt con số cao ngất ngưởng với khoảng trên 2.000 bệnh nhi mỗi ngày. Trong khi đó, số giường nội trú của Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng chỉ là 1.700 giường, ít hơn so với lượng bệnh nhi thực tế.
Theo các bác sĩ, việc quá tải trầm trọng hiện nay chính là do đã xảy ra tình trạng dịch chồng dịch, nhất là khi sốt xuất huyết và tay - chân - miệng cùng gia tăng một lúc. Ngoài ra, tháng 9 là thời điểm trẻ em đi học nên khi mắc bệnh truyền nhiễm dễ lây lan tạo thành ổ dịch.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng: “Từ tháng 8, chúng tôi nhận rất nhiều bệnh nhân bị viêm tiểu phế quản và viêm phổi nặng. Tháng 9 đến nay, chúng tôi nhận bệnh nhân bị sốt xuất huyết và tay – chân – miệng. Đặc biệt, trong tháng 8, bệnh nhân bị bệnh lý sơ sinh tăng rất nhiều và không có dấu hiệu giảm, cộng với sốt xuất huyết và tay – chân – miệng gia tăng nên 2 tuần gần đây lượng bệnh nhi tăng đột biến”.
Để giải quyết tình trạng quá tải, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã động viên y bác sĩ khám bệnh trong cả giờ nghỉ trưa từ 11h30 - 12h30. Đồng thời, sắp xếp nơi làm việc để tăng hết cỡ số bàn khám. Trung bình mỗi ngày tăng thêm được từ 5 đến 10 bàn khám. Thời gian khám bệnh mỗi ngày bắt đầu từ 7h30 đến tận 22h.
Bác sĩ Lê Thị Bích Liên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Chúng tôi động viên y bác sĩ cố gắng làm ngoài giờ để tăng cường tiếp nhận lượng bệnh nhân đến khám. Còn ở khu vực nội trú, chúng tôi đã cố gắng bố trí thêm 150 giường để giảm bớt lượng bệnh nhân nằm ghép. Chúng tôi cố gắng tận dụng các hành lang, sơn sửa, che nắng che mưa, gắn thêm quạt để bố trí thêm giường cho bệnh nhân nằm trong những giờ cao điểm”.
Theo các bác sĩ, chiếm 60 đến 65% lượng bệnh nhi đến khám tại các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh là từ các tỉnh. Tuy nhiên, một số bệnh nhi có thể chỉ cần điều trị ngay tại tuyến y tế cơ sở. Bởi lẽ, tình trạng quá tải hiện nay có thể khiến bệnh nhi mắc thêm những bệnh truyễn nhiễm khác./.