Đừng để CSGT đối đầu với dân khi mức phạt vi phạm tăng
Đại diện cảnh sát giao thông nhiều tỉnh thành băn khoăn, e ngại khi mức phạt vi phạm giao thông cao sẽ khiến người vi phạm bỏ xe, bỏ bằng lái.
Tại hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông tổ chức ngày 21-9, đại diện cảnh sát giao thông (CSGT) các tỉnh, thành phố bày tỏ băn khoăn về mức phạt cao sẽ khó cho quá trình ra quyết định.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị tăng phạt nặng những hành vi như vượt đèn đỏ, uống rượu bia quá mức cho phép...
E ngại dân bỏ xe, bỏ bằng lái
Theo thiếu tá Bùi Đức Thuận - phó trưởng Phòng CSGT Hà Tĩnh, dự thảo đưa ra mức phạt tước giấy phép lái xe (bằng lái) 10 - 12 tháng với trường hợp lái xe có uống rượu quá mức cho phép (hiện nay mức phạt tiền 10 - 15 triệu đồng, dự thảo nâng mức phạt 16 - 18 triệu đồng) cần cân nhắc.
Bởi vì ôtô còn là phương tiện mưu sinh của một số người dân. Thượng tá Nguyễn Duy Đông - phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An - cho biết người vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 50 - 80 mg/100 lít máu hoặc 0,25 - 0,4 mg/lít khí thở khá nhiều.
Về dự thảo xử phạt hành vi chạy xe máy quá tốc độ trên 20km từ 3 - 5 triệu đồng, giữ bằng lái đến 3 tháng, ông Nguyễn Văn Chí - đại diện Công an tỉnh Hải Dương - dự báo: khả năng người vi phạm sẽ bỏ bằng lái và tìm cách làm lại bằng lái khác.
Mặt khác, nhiều xe máy hiện nay có giá chưa tới 5 triệu đồng nên người vi phạm cũng sẵn sàng bỏ xe. Ông đề nghị giảm mức phạt còn 1 - 2 triệu đồng và tạm giữ phương tiện 3 ngày.
Với một số hành vi khác, trung tá Đặng Thanh Phong - phó trưởng Phòng CSGT Bắc Ninh - cho rằng việc xử phạt khó khả thi hoặc thành ra đối đầu với dân.
Cụ thể, việc phạt hành vi như lắp đặt còi vượt quá âm lượng từ 2 - 3 triệu đồng chắc chắn khó khả thi.
Việc phạt người đi xe máy vào đường cao tốc tới 3 triệu đồng cũng bất cập khi một số tuyến đường cao tốc không làm đường gom cho người dân đi lại. Vì vậy, nếu xử phạt thì chẳng khác nào CSGT phải đối đầu với người dân.
Ông Phong cũng cho rằng trong năm năm mà sửa đổi nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ năm lần là khá nhiều... Việc này cho thấy có nhiều lần quy định của nghị định không sát với thực tế.
Tuy nhiên, tại hội nghị cũng có nhiều ý kiến đề nghị tăng mức xử phạt các hành vi khác. Thượng tá Nguyễn Thành Viên - phó trưởng Phòng CSGT Hà Nam - đề nghị tăng mức phạt với các hành vi mang tính chủ quan của người lái xe như vượt đèn đỏ, lái xe bỏ chạy khi có hiệu lệnh dừng xe.
Sẽ tăng mức phạt với vi phạm nghiêm trọng
Lắng nghe các ý kiến trong hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng cho rằng còn nhiều hành vi hiện nay nghị định chưa đề cập, khi xảy ra lại có lúng túng trong xử lý như việc dán logo trên xe, sử dụng biển và giấy tờ xe quân đội giả để chở quá tải.
Ông đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục tìm và bổ sung những hành vi chưa đề cập để đưa vào trong nghị định kể cả việc phơi lúa, đốt rơm bên đường làm ảnh hưởng tới giao thông.
“Về quan điểm chỉ đạo, kể cả họp Chính phủ, Thủ tướng, Phó thủ tướng cũng nhắc nhở những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng trong giao thông thì phải nâng mức phạt để răn đe. Uống rượu bia rồi lái xe hay chạy quá tốc độ gây hậu quả rất nghiêm trọng cần nâng mức phạt” - ông nói.
Theo ông Thọ, nguyên tắc chung của soạn thảo nghị định lần này là bám chặt vào các luật hiện hành, nghiên cứu một số hành vi nghiêm trọng tăng mức xử phạt, một số hành vi cần chuyển sang mức hình sự.
Ông Thọ đề nghị các tổ chức, cá nhân tiếp tục có ý kiến sau hội nghị để cuối tháng 10-2015 Bộ GTVT có thể hoàn tất dự thảo lấy ý kiến lần cuối cùng trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành nghị định.