Đút túi tiền triệu mỗi ngày nhờ công việc thời vụ tại vườn đào, quất
VOV.VN - Những ngày giáp Tết, chủ vườn tại Nhật Tân, Tứ Liên,... tất bật với việc giao bán cây cảnh, cũng là lúc người lao động thời vụ ăn lên làm ra.
Còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tại các làng Tứ Liên, Nhật Tân (Hà Nội), tấp nập cảnh người mua kẻ bán các loại cây cảnh. Dịp này, ai cũng muốn chọn cho mình những chậu quất, cành đào ưng ý nhất để trưng trong ngày Tết. Đây cũng là lúc các nhà vườn cần một lượng lớn lao động thời vụ. Nhiều lao động từ các tỉnh lẻ cũng đổ về Hà Nội dịp này để tìm việc làm thêm. |
Các chủ vườn tại Tứ Liên cho biết, từ khoảng sau mùng 5 đến ngày rằm tháng Chạp, nhiều người dân đến tận vườn đặt mua quất cảnh tại vườn. Sau khi mua, khách hàng thường có nhu cầu vận chuyển cây cảnh về tận nhà để giữ nguyên hoa, lộc. |
Ông Hoàng Văn Sơn (Tây Hồ, Hà Nội), một thợ chuyên vận chuyển cây quất cảnh, đào tết cho biết, ông đã gắn bó với công việc này gần chục năm nay. Hàng năm, sau mùng 10 tháng Chạp, những người thợ như ông mỗi ngày phải chạy cả chục chuyến để giao cây cảnh đến tận nơi cho khách hàng. Tùy theo khoảng cách xa gần, phí vận chuyển sẽ khác nhau. Tính trung bình, mỗi ngày cũng thu được trên dưới 1 triệu đồng. |
Với những khách hàng ở xa, hoặc đặt mua cây to, chủ vườn phải thuê cả xe tải, xe bán tải để vận chuyển cây. |
Tại các làng nghề như Nhật Tân, Tứ Liên, dịp này, các tài xế xe tải được chủ vườn săn đón. Theo tài xế Hoàng Văn Sương, những ngày giáp Tết, nhu cầu vận chuyển cây cảnh cao, anh thường xuyên trong tình trạng "làm không xuể". Công việc bận rộn, cập rập, cũng đồng nghĩa với việc tài xế này "bỏ túi" vài triệu đồng mỗi ngày. |
Để chuyên môn hóa, mỗi vườn thường có riêng 1 thợ làm nhiệm vụ nâng, chằng cây cảnh lên xe cho khách. Tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế công việc này lại đòi sự sức khỏe, khéo léo, cận thận của người thợ để cây không bị rụng quả, hay gãy lộc, hoa... |
Hơn 10 năm nay, cứ đúng rằm tháng Chạp ông Thừa Văn Cúc, quê Thanh Hóa, lại khăn gói khăn gói ra Hà Nội để làm thời vụ tại vườn quất Thế Mạnh. Công việc chính của ông Cúc là chằng, buộc cây cảnh cho khách khi ra về. "Công việc cũng chỉ có thế, không có gì vất vả cho lắm. Nếu so với làm nông nghiệp ở quê, hay đi biển thì công việc này vừa nhàn, lại có thu nhập tốt hơn nhiều. Tôi làm từ rằm tháng Chạp đến hết ngày 29, cũng được 7 triệu, kiếm ít tiền về quê ăn Tết", ông Mạnh chia sẻ. |
Còn ông Nguyễn Bá Tùng (Tây Hồ, Hà Nội), chuyên chạy xe ba gác cũng xếp lại mọi việc để đi chở quất, đào tết thuê tại các nhà vườn. Ông Tùng cho hay, có ngày 6h sáng ông đã có khách gọi đi chở cây. Tính trung bình, thu nhập mỗi ngày cũng được từ 1-2 triệu đồng. "Những ngày này công việc ổn định hơn nhiều. Chúng tôi tranh thủ làm mấy ngày này kiếm tiền tiêu tết". |
Với những loại hoa, hoặc cây cảnh nhỏ, xe máy được sử dụng là phương tiện chuyên chở vận chuyển. |
Ngoài công việc vận chuyển, các vườn cây cảnh còn cần một lượng lớn lao động chăm sóc, lau từng chiếc lá cây hàng ngày để cây giữ được mã tươi, đẹp khi đến tay khách hàng. |
Tại các vườn đào tại Nhật Tân, việc mua bán đào đã diễn ra tấp nập. |
Tại vườn đào Thất Thốn của nghệ nhân Phạm Hàm (Nhật Tân, Hà Nội) dịp giáp Tết cũng thường có từ 5-10 lao động thời vụ làm việc. Ông Hàm cho biết, công việc bận rộn, ông phải nhờ cả người thân, họ hàng ở quê lên làm cùng và thuê thêm lao động từ cả các tỉnh khác. |