Hàng nghìn người lao động chịu những tác động của dịch Covid-19
VOV.VN - Dịch Covid-19 khiến cho hàng nghìn người lao động chịu những tác động tiêu cực.
Từ khi có dịch Covid-19, thị trường lao động và việc làm đang phải chịu những tác động nhất định, nhiều công ty bị giảm đơn hàng, nguồn nguyên liệu dần cạn kiệt, các nhà hàng, khách sạn, ngành dịch vụ vắng khách, người lao động bị mất việc hoặc giảm giờ làm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập. Vậy mức ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp đối với người lao động như thế nào. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về nội dung này.
Ông Bùi Sỹ Lợi: Khi có biến cố xảy ra, có khủng hoảng thì bao giờ việc chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu khi bị tác động là rất quan trọng. Tôi phải nhắc lại là chiến lược phát triển nguồn nhân lực của chúng ta không chỉ là ngắn hạn, không chỉ là hiện tại mà chúng ta phải tính cho dài hạn và tương lai.
Người lao động bị ảnh hưởng không nhỏ do dịch Covid-19. |
Bài học về dịch bệnh Covid 19 thấy rõ, có 2 luồng: Một là bản thân người lao động đang nằm tại vùng có dịch xảy ra, không thể chuyển vào các khu công nghiệp và nhà máy để tiếp tục làm việc vì phải cách ly để chống dịch.
Nhóm thứ hai là các lao động làm việc trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI. Trong dịp Tết, người lao động về quê và trở lại đúng dịp có dịch Covid-19. Chúng ta phải hạn chế lao động ở vùng dịch đó rất lớn. Cho nên doanh nghiệp không chỉ sử dụng lao động hiện tại mà phải có chiến lược để thu hút ngay lao động tại chỗ và lao động không ở vùng dịch để thay thế lao động không tiếp cận được. Nhưng chỉ doanh nghiệp thì không đáp ứng hết được mà phải có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, phải hỗ trợ như thế nào để doanh nghiệp tồn tại.
PV: Vậy theo ông, Nhà nước cần có những giải pháp hỗ trợ như thế nào trong thời điểm khó khăn này khi người lao động thì mất việc làm, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động do không đủ nguyên liệu sản xuất?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Chúng ta bị hẫng của tháng 1, tháng 2 do có dịch thì chắc chắn tăng trưởng của chúng ta sẽ không đạt được mục đích, yêu cầu, kế hoạch đặt ra. Vậy thì chúng ta phải kích cầu lên. Khi những người trong vùng dịch bị khó khăn, tăng trưởng không lên thì phải tìm cách để khôi phục.
Còn những doanh nghiệp không bị dịch tác động, không bị ảnh hưởng, chúng ta phải có biện pháp để thúc đẩy tăng nhanh lên một chút để bù cho doanh nghiệp không đạt được mục tiêu, không đạt được kế hoạch. Đây là chiến lược hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhân lực của đất nước. Nhưng quan trọng là chúng ta phải có những chương trình, kế hoạch và chúng ta phải làm sao để các doanh nghiệp nhận thức được vấn đề này.
Bên cạnh đó, Chính phủ và cơ quan nhà nước phải giúp cho Chính phủ để chúng ta định hình chính sách, chương trình kế hoạch bài bản để giúp cho các doanh nghiệp phát triển.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. |
PV: Vậy thì để đảm bảo thu nhập của người lao động, Nhà nước có tính đến chính sách hỗ trợ người lao động trong thời điểm có dịch như thế này không? Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp cần được tính đến ra sao trong những trường hợp người lao động không có việc làm hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Đối với các doanh nghiệp có tham gia BHXH, BHTN thì chúng ta phải có biện pháp để xử lý ngay thất nghiệp cho người lao động bằng cách cho họ được hưởng chính sách BHTN để có lương, để đảm bảo cuộc sống. Nếu doanh nghiệp nào có điều kiện thì chúng ta cho phép để đào tạo lại lao động đó hoặc lao động đó không nhận tiền thất nghiệp mà nhận tiền để được đào tạo lại thì dùng tiền đó để đào tạo nghề cho người lao động tìm việc làm mới để khắc phục tồn tại.
Tôi cho rằng sau dịch Covid 19 này, nhiều nhà hàng, khách sạn sẽ không thu hút được lao động hiện tại, cộng với Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực. Bây giờ người dân tự giác giảm uống rượu bia, dẫn đến các nhà máy bia, nhà hàng bán bia, lao động cũng bị giảm sút.
Tất cả những lao động này phải có biện pháp để giải quyết thất nghiệp và cố gắng đào tạo lại. Đào tạo lại nguồn lao động này thì mới có nguồn nhân lực để phát triển kinh tế xã hội, tránh tình trạng người lao động rơi vào tình cảnh không có việc làm và khó khăn, giải quyết cả vấn đề kinh tế và giải quyết cả vấn đề xã hội.
PV: Như ông vừa cho biết đây cũng là một cơ hội để đào tạo lại nguồn lao động, vậy đơn vị nào có trách nhiệm đào tạo lại những lao động đang bị mất việc làm này?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Nếu nhà hàng có đủ điều kiện đào tạo người lao động chuyển đổi ngành nghề khác thì làm việc với BHXH để rút kinh phí theo số người để đào tạo. Nếu không được, hãy để người lao động đến các trung tâm dịch vụ việc làm, họ sẽ gửi người lao động đến các nhà máy hay cơ sở đào tạo và kinh phí đào tạo đó là do Quỹ BH thất nghiệp của BHXH Việt Nam chi trả.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.