Hội An triển khai bán vé điện tử thay cho các quầy vé thủ công

VOV.VN - Áp dụng đề án bán vé tham quan bằng hình thức số hóa, thủ tục để khách tham quan phố cổ được thực hiện nhanh chóng, chính xác và chuyên nghiệp hơn.

UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt Đề án “Cải tiến phương thức bán vé tham quan khu phố cổ bằng hình thức vé tham quan số hóa”. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý, điều hành phố cổ, góp phần hạn chế tình trạng trốn vé, ngăn chặn thất thoát, sai sót trong quá trình đối chiếu, soát vé và giảm phiền hà cho du khách đến tham quan phố cổ.

Từ năm 1995, chính quyền thị xã Hội An (nay là thành phô Hội An), tỉnh Quảng Nam bắt đầu triển khai bán vé cho du khách tham quan phố cổ. Số tiền thu được từ việc bán vé đóng góp rất lớn vào việc trùng tu di tích, tăng thu ngân sách địa phương. Năm 2018, thành phố Hội An thu được 266 tỉ đồng từ tiền bán vé. Việc áp dụng mức thu phí tham quan góp phần rất lớn vào việc định hình giá trị di sản, nâng cao ý thức cộng đồng đối với một giá trị nhân loại.

Tuy nhiên, phương thức bán vé thủ công như lâu nay bộc lộ nhiều bất cập. Đó là tốn nhiều nhân lực và thời gian chờ đợi đối với khách du lịch; Việc kiểm kê, đối chiếu vé giữa các cơ quan quản lý di tích và cơ quan thuế cũng mất nhiều công đoạn, dễ bị sai sót.

Hội An có rất nhiều không gian mở nên khó áp dụng bán vé điện tử.

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- truyền hình thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, khi áp dụng đề án bán vé tham quan bằng hình thức số hóa, thủ tục để khách tham quan phố cổ được thực hiện nhanh chóng, chính xác và chuyên nghiệp hơn. Lâu nay, việc kiểm soát giữa khách có vé và khách không có vé gặp nhiều khó khăn. Một số hướng dẫn viên không đưa khách đi tham quan hết các điểm di tích hoặc giữ vé lại để ngày hôm sau sử dụng lại vé cũ đưa đoàn khách khác đến.

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm cũng cho biết, phương thức bán vé tham quan phố bằng hình thức vé điện tử được triển khai đối với khách đi theo đoàn tại 4 quầy vé gồm: quầy vé số 8 Hoàng Diệu, 62 Bạch Đằng, 78 Lê Lợi và quầy vé đặt tại Quảng Trường Sông Hoài. Các quầy vé được bố trí một lối đi dành riêng cho du khách. Khi khách tới thì đi theo chỉ dẫn để vào vị trí có ký hiệu. Tại đây khi khách đứng, camera sẽ tự động nhận diện hình ảnh và các thông tin cá nhân để quét lên ảnh. Những dữ liệu này sau đó được đưa vào máy chủ, nhân viên điều hành máy bán vé khi thấy các thông tin đã hoàn tất thì thực hiện lệnh in, vé sẽ được treo vào một dây đeo đặt trước ngực du khách.

Theo bà Trương Thị Ngọc Cẩm, tất cả các thao tác này chỉ mất khoảng 5 giây: “Phương thức bán vé điện tử này giúp chúng tôi có thông tin dữ liệu về du khách, sau này sẽ kiểm soát được việc du khách đến Hội An nhiều lần, vì có cơ sở dữ liệu chúng tôi lưu tại quầy vé và có cơ sở dữ liệu, thông tin về khách có nhiều chức năng tiện ích, chuyên nghiệp hơn”.

Khách mua vé tham qua phố cổ Hội An.

Vé điện tử là loại vé trọn gói đối với các điểm tham quan di tích. Vé dành cho khách Việt sẽ có 3 điểm tham quan và khách nước ngoài là 5 điểm tham quan. Khi qua cổng soát vé chính, khách đeo thẻ rồi đi vào trung tâm phố cổ để lần lượt đến các điểm tham quan. Vé chỉ được coi là hợp lệ khi có mã số vé, hình ảnh nhận diện trùng khớp với hệ thống đã được tải lên khi khách vào cổng vé trước đó.

Theo kế hoạch, UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam sẽ thí điểm việc bán vé tự động chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến tháng 6/ 2020; Đến đầu năm 2021, sẽ bán vé điện tử tại tất cả các lối thành phố, mở rộng điểm bán tại các trục đường lớn ngoài phố cổ. Tuy nhiên, điều làm nhiều người băn khoăn đó là, không gian phố cổ là không gian mở, có rất nhiều cửa ngõ đi vào nên việc kiểm soát các cửa ngõ rất khó khăn.

Ông Nguyễn Sự, Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Cần nghiên cứu một cách thận trọng. Bởi Hội An không chỉ có 5 hoặc 6 di tích mà toàn thể quần thể Hội An là những di tích. Bản thân những di tích mà họ được hưởng ô vé điện tử, họ có năm mấy tỷ bạc mỗi năm để họ trùng tu, sửa chữa. Nhưng những nhà mà họ cũng có di tích như vậy nhưng chưa đưa vào ô điện tử thì họ được lợi gì từ việc tham quan này? Điện tử từng di tích thì được nhưng điện tử cả phố cổ có lẽ đó là mặc nhiên. Nếu anh em làm tốt, giải quyết được bài toán đó thì ủng hộ, và cũng nên như vậy, đỡ phiền hà. Được biết, kinh phí thực hiện Đề án gần 5,8 tỷ đồng. Số tiền này dùng để đầu tư máy móc thiết bị, thiết lập các phần mềm số hóa vé tham quan”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

TP HCM triển khai vé điện tử thông minh cho khách đi xe buýt
TP HCM triển khai vé điện tử thông minh cho khách đi xe buýt

VOV.VN - Từ năm 2017, hành khách đi xe buýt sẽ sử dụng vé điện tử thông minh thay cho vé thường như hiện nay.

TP HCM triển khai vé điện tử thông minh cho khách đi xe buýt

TP HCM triển khai vé điện tử thông minh cho khách đi xe buýt

VOV.VN - Từ năm 2017, hành khách đi xe buýt sẽ sử dụng vé điện tử thông minh thay cho vé thường như hiện nay.

Ngành đường sắt triển khai vé điện tử hỗ trợ tối đa khách đi tàu
Ngành đường sắt triển khai vé điện tử hỗ trợ tối đa khách đi tàu

VOV.VN - Hệ thống bán vé điện tử mới cung cấp cho hành khách hệ thống thông tin chạy tàu, đặt mua vé trực tuyến ngay trên thiết bị cầm tay…

Ngành đường sắt triển khai vé điện tử hỗ trợ tối đa khách đi tàu

Ngành đường sắt triển khai vé điện tử hỗ trợ tối đa khách đi tàu

VOV.VN - Hệ thống bán vé điện tử mới cung cấp cho hành khách hệ thống thông tin chạy tàu, đặt mua vé trực tuyến ngay trên thiết bị cầm tay…