Ông Kissinger dự đoán về kịch bản đàm phán hòa bình ở Ukraine vào cuối năm 2023
VOV.VN - Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nhận định với CBS News rằng, xung đột ở Ukraine có lẽ đang tiến đến thời điểm bước ngoặt và các cuộc đàm phán hòa bình, với Trung Quốc làm trung gian, có thể sẽ bắt đầu vào cuối năm 2023.
"Bởi vì Trung Quốc tham gia vào việc đàm phán, nước này sẽ hành động mạnh mẽ, tôi nghĩ là vào cuối năm nay", cựu Ngoại trưởng Mỹ nhận định với CBS trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 7/5. Theo ông, vào thời điểm đó, "chúng ta sẽ nói về các tiến trình đàm phán và thậm chí là những cuộc đàm phán thực sự".
Với việc công bố lập trường 12 điểm nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine vào tháng 2/2023, Trung Quốc đã tự thúc đẩy mình là một bên trung gian hòa giải tiềm năng giữa Moscow và Kiev. Kế hoạch của Trung Quốc đã bị Mỹ và EU bác bỏ thẳng thừng trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin miêu tả, một số điểm trong 12 điểm trên "phù hợp" với lập trường của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zeelensky cũng hoan nghênh một số nội dung trong các điểm mà Trung Quốc đưa ra, song vẫn kiên quyết với quan điểm Kiev sẽ không thỏa hiệp với Nga dù theo bất kỳ cách nào.
Việc Tổng thống Zelensky từ chối đàm phán với chính quyền Tổng thống Putin khi nhà lãnh đạo Nga cấm liên lạc với điện Kremlin trong một sắc lệnh vào tháng 10 năm ngoái chỉ là một trong những trở ngại to lớn mà Trung Quốc hay bất kỳ bên trung gian hòa giải nào phải đối mặt.
Nga coi cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Moscow và NATO. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã khẳng định hôm 5/5 rằng sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán nào diễn ra với Tổng thống Zelensky.
Tại Washington, chính quyền Tổng thống Biden nêu rõ, việc quyết định khi nào tìm kiếm hòa bình hoàn toàn phụ thuộc vào Ukraine, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ vũ khí cho Kiev "lâu nhất có thể" để nước này đạt được các mục tiêu của mình. Trong số đó, về mục tiêu giành lại Crimea, giới lãnh đạo quân sự Mỹ công khai thừa nhận, điều này gần như không có khả năng xảy ra.
Năm ngoái, ông Kissinger từng cho rằng Ukraine nên chấp nhận quay về "hiện trạng trước xung đột" hoặc từ bỏ tuyên bố chủ quyền với Crimea và trao quyền tự trị cho Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk. Ông cũng cho rằng những vùng lãnh thổ này sẽ trở thành nền tảng cơ bản cho các cuộc đàm phán sau một lệnh ngừng bắn và Nga rút quân.
Moscow đã nhiều lần tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán với Kiev nhưng chỉ khi Ukraine "công nhận thực tế trên thực địa", trong đó có tình trạng mới của các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye. Nếu không thì Nga sẽ tiếp tục giải quyết cuộc xung đột này bằng các biện pháp quân sự, điện Kremlin khẳng định./.