Máy bay CASA 212 bị nạn: Người nhà quân nhân mòn mỏi ngóng tin
Người thân các quân nhân trên máy bay CASA 212 số hiệu 8983 đang từng giờ mong ngóng thông tin về công tác tìm kiếm với hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến.
Cuộc gọi lúc 7 giờ sáng
Sáng 18/6, chúng tôi tìm đến quê Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu ở thôn Thiên Kiều, xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, Hải Dương.
Anh Chu 40 tuổi, là phi công kiêm dẫn đường của Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không Không quân và là một trong 9 người trên chiếc máy bay CASA 212 gặp nạn trên vùng biển Bạch Long Vĩ trưa ngày 16/6.
Bà Thuận đang chăm sóc ông Thắng |
Mặc dù trời nắng gắt nhưng có rất đông người thân, hàng xóm và những đồng đội công tác cùng đơn vị với anh Chu cũng đến thăm hỏi, động viên gia đình.
Dưới mái nhà cấp 4 chỉ có bố mẹ anh Chu ở, còn gia đình riêng của anh sống tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, gần với đơn vị anh công tác.
Bà Phùng Thị Thuận (68 tuổi, là mẹ anh Chu) cho biết, Chu là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh chị em, hiện mỗi người lập nghiệp một phương.
Bố anh Chu là ông Nguyễn Ngọc Thắng từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, trở về với thương tích đầy người, bị mất chân phải và nhiễm chất độc da cam, hưởng chế độ thương binh hạng 2/4.
Suốt 3 năm nay, ông Thắng phải nằm liệt giường, bị tiểu đường, teo não, chỉ nghe mà không nói năng được gì, nhưng chỉ cần nhắc đến từ “người lính”, “chiến sĩ” là ông lại xúc động, bật khóc nức nở.
"Từ hôm nghe tin con trai trên chiếc máy bay gặp nạn đến giờ ông ấy khóc nhiều lắm”, bà Thuận sụt sùi.
Biết tin máy bay mất tích trên biển vào tối ngày 16/6, bà Thuận thấy nóng ruột, liền gọi điện hỏi con dâu, rồi đồng đội cùng đơn vị với anh Chu nhưng “mọi người đều giấu tôi, mỗi người nói một kiểu”.
Linh cảm của người mẹ mách bảo bà rằng đứa con trai tốt tính đang gặp nạn. Từ hôm đó đến nay, bà thấp thỏm chờ đợi tin tức của anh Chu và đồng đội từng giờ từng phút.
Bà Thuận kể lại cuộc điện thoại lúc 7 giờ sáng ngày 16/6. “Sáng hôm đó tôi đang ở vườn vải để mót những quả vải không bị rám nắng đem ra chợ bán để lấy tiền trang trải. Nó hỏi thăm sức khỏe tôi rồi bảo đi về nhà nghỉ cho đỡ nắng, hôm nào sẽ gửi tiền về hỗ trợ, giờ chuẩn bị đi làm nhiệm vụ”, bà Thuận nhớ lại và cho biết, anh Chu có về nhà giỗ cụ vào cuối tháng 5 vừa qua.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, bà Thuận cầm chiếc khăn tay lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đầy nếp nhăn đã ngả đồi mồi.
Dù cố kìm nén cảm xúc nhưng đôi lúc bà Thuận vẫn rưng rưng nước mắt khi kể về anh Chu, người con trai vất vả, nghị lực và là niềm tự hào của dòng họ.
“Chu được học hành cao nhất nhà, tính cách hiền lành, sống tình cảm lắm. Mỗi lần được nghỉ phép là cả gia đình lại về thăm quê. Nó vào xoa bóp cho bố, rồi thấy thiếu cái gì lại chạy đi mua, từ cái bát, cái đũa tới đồ thờ cúng đều do nó sắm sửa”, bà Thuận kể.
Khi vừa tốt nghiệp cấp 3, anh Chu đi bộ đội đóng quân ở Quảng Ninh. “Trong một đợt tuyển phi công, đơn vị tạo điều kiện cho nó đăng ký dự thi và trúng tuyển. Hôm đi thi về nó kể, mọi người đi thi có xe ô tô đưa đón, còn con chỉ có mỗi cái ba lô đi một mình thì lại đỗ.
Gia đình thuần nông nghèo khó, nó tự lực cánh sinh học hành vươn lên. Vất vả từ tấm bé, có những lúc nó ốm đau nhưng cũng giấu tôi”, bà Thuận gạt nước mắt.
Vợ chồng anh Chu hiện có 2 con nhỏ, con gái đầu chuẩn bị bước vào lớp 1, con trai mới được 4 tuổi. Bà Thuận cho biết, người con trai cả ở miền Nam đã bay ra cùng con trai út từ quê lên Hà Nội động viên, đỡ đần vợ anh Chu trong lúc éo le này.
Mở cửa nhà thờ họ để mọi người cầu nguyện
Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918, quê gốc ở làng Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội.
Nhiều người thân, hàng xóm đến hỏi thăm, động viên gia đình anh Chu |
Khi nghe tin dữ, mọi người trong dòng họ Lê Đình ở Hưng Giáo đã tập trung tại nhà ông trưởng họ Lê Đình Quảng (anh họ đại tá Toàn) để nghe ngóng thông tin báo chí.
Ông Quảng cho biết: “Gia đình đại tá Toàn ở huyện Gia Lâm, hay về thăm quê. Vừa rồi xây dựng nhà thờ họ hết hơn 200 triệu đồng mà chú Toàn đóng góp gần một nửa”.
Theo lời kể của ông Quảng, người phi công này hiền lành, thảo tính, khiêm nhường “không bao giờ ra dáng quan cách mỗi khi về thăm quê hương, dòng họ”. Ngày 1/5, anh Toàn về thắp hương tổ tiên, mang nhiều quà bánh cho trẻ con trong họ và ở lại mấy ngày trước khi về đơn vị.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Đình Ngân (em họ của đại tá Toàn) nghẹn ngào nói: “Anh Toàn vui tính lắm, hồi nhỏ anh em chúng tôi thân nhau, thường ra tắm sông cùng nhau.
Sau này lớn lên kể cả khi công việc bộn bề anh vẫn thường xuyên về thăm quê. Năm nào giỗ tổ vào ngày 22 tháng Chạp anh ấy cũng đưa cả vợ con về.
Nay nghe tin dữ chúng tôi hết sức bàng hoàng và cho mở cửa nhà thờ họ cả ngày để mọi người đến cầu nguyện cho anh và đồng đội”./.