Mở rộng Quốc lộ 1A gây nứt nhà dân, đền bù chưa thỏa đáng
VOV.VN - Hàng trăm hộ dân không chịu nhận tiền đền bù vì cho rằng mức giá quá thấp, không đủ sửa chữa lại nhà cửa hư hỏng.
Trong quá trình thi công mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên -Huế, gần 1.200 nhà dân bị rung lắc gây nứt.
Đến nay, hàng trăm hộ dân không chịu nhận tiền đền bù vì cho rằng mức giá quá thấp, không đủ sửa chữa lại nhà cửa hư hỏng.
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, trú tại thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế có nhiều vết nứt ngang dọc từ móng đến tường.
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, trú tại thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc bị nứt nẻ do thi công Quốc lộ 1A. |
Bà Tâm cho biết, khi đơn vị thi công tiến hành lu rung san lấp mặt đường, ngôi nhà của bà bắt đầu xuất hiện nhiều vết nứt nhưng chỉ áp giá đền bù 11 triệu đồng là không thỏa đáng, với số tiền đó không thể sửa lại ngôi nhà: “Nhà giờ nứt toàn bộ, nứt móng, sập móng, gãy ngang tường. Giờ định giá trả tôi 11 triệu đồng không đủ sửa chữa nhà. Tôi yêu cầu các cơ quan hỗ trợ sửa chữa nhà cho mẹ con tránh mưa bão. Ở miền Trung, vào mùa mưa bão nhà như thế này ba mẹ con không dám ở”.
Còn ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Ly Na ở xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc cũng bị nứt nẻ, nhiều mảng tường, nền nhà hư hại nặng. Trong lúc chờ đền bù, gia đình bà Na phải chống đỡ để ở tạm: “Nhà nứt nhưng Ban Quản lý dự án chỉ đền bù có 8 triệu đồng, đến khi sập nhà là tháng 8/2015, gần cả năm họ không tới giải quyết. Họ nói đợi bảo hiểm áp giá thôi và đưa người tới kiểm định rồi lại thôi. Bây giờ tôi đề nghị sớm đền bù để làm lại nhà ở chứ ở như thế này rất là nguy hiểm”- bà Nguyễn Thị Ly Na phàn nàn.
Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phú Lộc, đến thời điểm này, các chủ đầu tư là Công THNH Trùng Phương, Công ty Phước Tượng Phú Gia BOT và Ban Quản lý dự án 4 đã phê duyệt mức hỗ trợ 815 hộ dân/1.200 hộ có nhà bị nứt là 4,8 tỷ đồng. Trong đó, 517 hộ đã nhận tiền đền bù với tổng số tiền 3,7 tỷ đồng. Số hộ còn lại vẫn chưa chịu nhận tiền đền bù.
Ông Trương Thanh Tín, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Đối với người dân khi xảy ra hiện tượng rung, nứt - người dân nói đó là thiệt hại. Tuy nhiên theo lý giải từ phía đơn vị chuyên môn, những vết nứt ảnh hưởng đến kết cấu công trình - tức là kết cấu chịu lực mới đưa vào tính trong áp giá đền bù. Còn vết nứt bình thường, bề mặt do co ngót vật liệu nên xảy ra việc người dân và đơn vị kiểm định không gặp nhau”.
Hiện nay, cuộc sống của những gia đình bị nứt nhà gặp nhiều khó khăn, nguy cơ mất an toàn.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Lãnh đạo huyện chỉ đạo các phòng, ban chức năng khẩn trương xem xét, xử lý đơn kiến nghị của người dân.
Nhà của bà Nguyễn Thị Ly Na bị nứt nẻ sụp tường do thi công Quốc lộ 1A. |
Bởi ở đây chúng ta nói là đền bù nứt nhà nhưng chỉ ở mức hỗ trợ, nghĩa là giá trị hỗ trợ không tương xứng với thiệt hại của bà con. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến việc giải quyết vấn đề nứt nhà cho dân vẫn còn kéo dài và phức tạp" - ông Nguyễn Văn Mạnh khẳng định./.