“Nghiêm cấm trục lợi từ khan hiếm vaccine dịch vụ“
VOV.VN - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nhấn mạnh nghiêm cấm việc trục lợi từ khan hiếm vaccine dịch vụ để đẩy giá hoạc tuồn vaccine ra ngoài.
Liên quan đến tình trạng hỗn loạn vaccine khiến dư luận bức xúc trong vài ngày qua, sáng nay (26/12), tại cuộc họp báo, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: “Điểm tiêm chủng ở Lương Thế Vinh để xảy ra tình trạng lộn xộn, hỗn độn như vậy là không được".
Ông Phu cho biết, ngay sau sự việc, Cục đã có công văn yêu cầu thực hiện tốt việc triển khai tiêm chủng. Quán triệt các điểm tiêm chủng cần phải phục vụ tốt nhất cho người dân, tổ chức đảm bảo khoa học và tính an toàn khi tiêm chủng.
"Nghiêm cấm việc trục lợi từ khan hiếm vaccine dịch vụ để đẩy giá hoặc tuồn vaccine từ cơ sở nhà nước ra ngoài”, Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Theo ông Phu hiện nay có gần 30 loại vaccine, trong đó tiêm chủng mở rộng là 12 bệnh với 10 vaccine. Với mong muốn giúp người dân được phòng bệnh một cách tốt nhất nên có thêm loại hình tiêm dịch vụ. Nhưng không ở đâu trên thế giới có hai loại hình tiêm như ở Việt Nam là tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ.
Ông Trần Đắc Phu cũng thừa nhận, Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) cũng còn nhiều vấn đề chưa tốt như việc triển khai còn chậm, tổ chức chưa tốt dẫn đến việc người dân có sự so sánh: tư nhân tốt còn công không tốt, dịch vụ tốt hơn miễn phí.
Về việc dẫn đến tình trạng "hỗn loạn" thời gian qua, ông Trần Đắc Phu giải thích: "Chúng tôi cũng thừa nhận thời gian qua có sự khan hiếm vaccine 5 trong 1 (pentaxim), 6 trong 1. Đây là 2 loại vaccine có chứa thành phần ho gà vô bào và tương đối ổn định".
“Tuy nhiên, không phải có không 2 loại vaccine trên mà trẻ không được tiêm phòng được. Trong chương trình TCMR vẫn có vaccine Quinvaxem. Quinvaxem tương đương với Pentaxim và đảm bảo cung cấp đầy đủ. Một năm 4,5 triệu liều vaccine Quinvaxem; dưới 10% tiêm vaccine dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1”, ông Phu nói.
Theo ông Phu, vaccine dịch vụ mới chỉ có trong vài năm gần đây, trước kia Việt Nam chủ yếu là dùng vaccine DPT (vaccine cũ bạch hầu, ho gà và uốn ván) và Quinvaxem. Trong những năm gần đầy, khi thị trường hiếm, các điểm tiêm chủng cũng đề nghị tiêm vaccine Quinvaxem khoảng trên 50.000 liều. Cho nên, người dân ở TP HCM đã quay lại tiêm Quinvaxem.
Dẫn chứng nghiên cứu, ông Phu cho biết: Vaccine dịch vụ cũng cho thấy sự quan ngại của các bà mẹ là tại sao tiêm Quinvaxem gây phản ứng sốt, trẻ đau quấy khóc nhiều hơn vaccine vô bào. Đó là trở ngại cho tâm lý của các bà mẹ.
Trước đây, chúng ta không có vaccine vô bào để so sánh nên chỉ tiêm bình thường. Cũng có những nghiên cứu cho thấy, phản ứng của vaccine 5 trong 1 và 6 trong 1 rủi ro tử vong rất thấp.
Ông Phu nhấn mạnh: Nhiều quan ngại việc vaccine ho gà vô bào nếu không tổ chức tốt, vấn đề miễn dịch cộng đồng rất nguy hiểm, vì hiệu quả miễn dịch không bằng toàn tế bào như ăn quá tinh và thô trong dinh dưỡng. Tình hình bạch hầu ở Quảng Nam, ho gà ở Hà Nội là ví dụ rất cụ thể. Nếu như chúng ta để giảm miễn dịch cộng đồng rất nguy hiểm.
Nói về tình trạng dẫn đến việc khan hiếm vaccine, ông Phu nêu rõ: Vừa qua, Cục Quản lý dược cho biết, tình hình vaccine 5 trong 1 và 6 trong 1, rất khan hiếm không phải là do Bộ Y tế không cho nhập mà do nhà sản xuất không có vaccine nên không nhập được số lượng lớn. Vì họ thay đổi nhà xưởng, lô sản xuất, nhiều lô kiểm nghiệm không được nên xảy ra tình trạng thiếu vaccine. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn cố gắng tìm nguồn vaccine khác để dành cho những người không dám tiêm chủng Quinvaxem.
"Bộ Y tế mong muốn phục vụ người dân một cách tốt nhất, bất kể thời gian nào. Vì vậy, các điểm tiêm chủng phải làm sao để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Bên cạnh đó, các điểm cũng phải chú ý vấn đề an toàn là trên hết. Chúng tôi quán triệt nghiêm cấm trục lợi, ngâm giá, tiêm chủng dưới mọi hình thức vaccine chạy theo con đường nào, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm", ông Phu khẳng định.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo người dân không phải hỗn loạn. Trong những phạm vi cho phép, điểm nào vaccine không dùng hết sẽ điều phối cho đơn vị khác. Vấn đề vường mắc ở đây vẫn là khâu đăng ký. Cơ quan chức năng sẽ bàn phương án với các điểm đăng ký trên trang web hoặc trực tiếp.
"Báo chí cần truyền thông để người dân không hoang mang, bỏ tiêm chủng mở rộng. Tuy rằng vaccine 5 trong 1 dịch vụ Pentaxim về Việt Nam lần này lên tới 200.000 liều nhưng vẫn dấy lên lo lắng cung không đủ cầu", ông Phu nói.
Ông Trần Đắc Phu cho biết, chúng ta phải tổ chức khám sàng lọc đúng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, đặc biệt với những trẻ đang gây sốt. “Nếu trẻ em dưới 6 tháng nên tiêm sau 1 tháng khi đã tiêm được 1 mũi Quivaxem hay Petaxim, bởi lẽ nếu không tiêm ngay sức khoẻ của trẻ em sẽ không đảm bảo. Các bà mẹ nên chú ý, nếu cứ mải miết chạy theo các mũi tiêm chủng dịch vụ mà chờ đợi thì sẽ dễ dàng cho các dịch bùng phát trong thời gian chuyển mùa này”.
Đối với các cơ sở tiêm chủng, phải hẹn giờ giấc cụ thể để người dân không bị cảnh chờ đợi, xếp hàng. Người dân phải tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế nếu không sẽ rất nguy hiểm. Người dân nên chọn tiêm chủng tại một điểm tiêm chủng để cho dễ quản lý và theo dõi, không nên từ điểm nọ sang điểm kia gây thất lạc sổ theo dõi.
"Nếu tổ chức không tốt sẽ dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy. Vì vậy, người dân có thể đăng ký trên web, cấm thuê người đi đăng ký, cấm cò… Chúng tôi sẽ nhờ lực lượng công an giúp đỡ", ông Phu nói và lưu ý các bậc bố mẹ không mang trẻ nhỏ đi khi đăng kí để tránh viêm phổi trong thời tiết giá rét.
"Có những bà mẹ đưa con đi quấn áo mưa về con đã chết. 45% tử vong do viêm phổi. Cứ chuyển mùa mà đưa con đi tiêm thế này có thể tử vong vì viêm phổi. Bế con lên xong đứng xếp hàng rất nguy hiểm", ông Phu cảnh báo.
Trước đó, ngày 25/12, tình trạng hỗn loạn tại cơ sở tiêm chủng số 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội khiến nhiều phụ huynh có con nhỏ hoang mang.
Trước vụ việc này, chiều tối qua 25/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc làm việc tìm giải pháp giải quyết khủng hoảng thiếu vaccine. Tại cuộc họp, ông Long đã yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cơ sở tiêm chủng xảy ra tình trạng hỗn loạn./.