Người dân nhiều tỉnh bắt đầu nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42

Người dân nhiều tỉnh bắt đầu nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42

VOV.VN - Lào Cai bắt đầu chi trả gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ cho 2 nhóm đầu tiên, trong 7 nhóm đối tượng người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Người dân Lào Cai xúc động nhận hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ

Ngày 29/4, tỉnh Lào Cai bắt đầu chi trả gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ cho 2 nhóm đầu tiên, trong 7 nhóm đối tượng người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Từ sáng 29/4, 9 huyện, thành thị của tỉnh Lào Cai đồng loạt mở các điểm chi trả hỗ trợ phân theo cấp xã, phường, thị trấn, những trường hợp không có khả năng nhận trực tiếp sẽ được chi trả gián tiếp qua người thân.

Quá trình chi trả dựa trên nguyên tắc đầy đủ, minh bạch, đúng đối tượng và tuân thủ biện pháp phòng chống Covid-19.

chi_ho_tro_cho_nguoi_co_cong_phuong_lao_cai_nhrx.jpg
Chi hỗ trợ cho người có công phường Lào Cai.

Bệnh binh Bùi Văn Hiền, trú tại phường Lào Cai, thành phố Lào Cai chia sẻ, trong giai đoạn cả nước chung tay đẩy lùi Covid-19, có rất nhiều người dân gặp khó khăn, trong đó có đối tượng thương bệnh binh. Số tiền hỗ trợ đến tay mỗi cá nhân không phải quá lớn, nhưng là món quà vô cùng ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp địa phương.

“Bản thân tôi là người từng trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, nhận hỗ trợ đúng thềm nghỉ lễ 30/4 năm nay trong điều kiện cả nước khó khăn như thế tôi không biết nói gì ơn ngoài lời cảm ơn”, ông Hiền xúc động nói.

Bà Hoàng Thị Huyền, ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai gia cảnh khó khăn, chồng mất, con gái bị thiểu năng trí tuệ. Dịch bệnh diễn biến phức tạp thời gian qua tác động trực tiếp đến kinh tế gia đình, đã khó càng thêm khó.

“Tôi rất cảm động, trong lúc khó khăn thực sự thì được hỗ trợ kịp thời như thế này. Toàn bộ số tiền sẽ dồn hết để chăm nuôi cho cháu”, bà Hiền chia sẻ.

Theo bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, sau thời gian khẩn trương rà soát, UBND tỉnh Lào Cai đã quyết định chi trả trước gói hỗ trợ cho 2 nhóm đối tượng gồm người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

chi_ho_tro_cho_doi_tuong_bao_tro_xa_hoi_phuong_kim_tan_lhbq.jpg
Chi hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội phường Kim Tân.

Toàn tỉnh Lào Cai có tổng cộng 15 nghìn trường hợp, thuộc 2 nhóm đối tượng trên, cùng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng, áp dụng trong thời gian 3 tháng, tiến hành chi trả 1 lần. Trường hợp thuộc nhiều nhóm khác nhau được chia trả theo 1 nhóm cao nhất.

“Để có thể hỗ trợ kịp thời cho 2 nhóm đối tượng đầu tiên trước thềm nghỉ lễ 30/1 – 1/5 là cả một sự cố gắng của Lào Cai. Đối với các nhóm đối tượng còn lại, chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh để có kế hoạch rà soát, chi trả trong thời gian sớm nhất”, bà Hưng cho biết./. (An Kiên/VOV-Tây Bắc)

Kiên Giang tạm ứng ngân sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn

Thực hiện Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, UBND tỉnh Kiên Giang đã đồng ý cho tạm ứng ngân sách hơn 183 tỷ đồng để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng và đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn quốc gia trong danh sách được phê duyệt. Thời gian hỗ trợ 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

doi_tuong_kho_khan_jywn.jpg
Kiên Giang đang rà soát những đối tượng lao động tự do, người dân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để hỗ trợ.

Trong số này, UBND huyện Phú Quốc chủ động thực hiện chi hỗ trợ từ nguồn kinh phí cải cách tiền lương gần 1,7 tỷ đồng; UBND các huyện, thành phố còn lại sử dụng 50% nguồn dự phòng còn lại của ngân sách huyện, xã để chi hỗ trợ với số tiền hơn 32 tỷ đồng. Kinh phí còn lại gần 150 tỷ đồng lấy từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh.

Riêng các nhóm đối tượng còn lại, tỉnh giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương để thực hiện, tránh tình trạng xác định sai đối tượng, trục lợi từ chính sách... 

Ông Đặng Hồng Sơn, Gíam đốc Sở LĐ-TBXH Kiên Giang cho biết: hiện nay các huyện đang tiến hành điều tra, khảo sát và tổng hợp. Do các nhóm đối tượng này rất khó để tổng hợp nhất là lao động tự do, lao động không ký kết hợp đồng, lao động buôn bán lẻ, đòi hỏi các địa phương phải rà soát kỹ lưỡng, có địa chỉ cụ thể để điều tra tổng hợp, tránh sai sót”.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã cho tạm ứng kinh phí gần 150 tỷ đồng  từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để hỗ trợ kinh phí cho các nhóm đối tượng này./. (Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL)

Bình Dương trích ngân sách 300 tỷ “trợ lực” người nghèo vượt khó

Tháo gỡ khó khăn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bình Dương đang triển khai các bước để đưa nguồn vốn vay khoảng 300 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh đến các đối tượng. Gói hỗ trợ vay vốn này được xem là “phao cứu sinh” với người gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại Bình Dương. 

Ngay từ sáng sớm, chị Trương Thị Thúy Diễm, chủ cơ sở sản xuất sơn mài Thùy Vân ở phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một đã có mặt tại cửa hàng trưng bày để lau chùi các sản phẩm sơn mài sau một tháng đóng cửa thực hiện cách ly xã hội. Mở cửa trong thời điểm này dù biết không có khách nhưng chị vẫn hy vọng bán được sản phẩm để lấy tiền trả tiền mặt bằng.

Chị Diễm tâm sự, chưa lúc nào những người cả đời gắn bó với nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, cái nghề được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, như chị nản chí, rơi vào bế tắc như hiện nay. Giờ đây, không có đơn hàng, sản phẩm làm ra không có chỗ tiêu thụ cũng đồng nghĩa với việc chị phải gồng gánh để lo trả tiền mặt bằng, tiền công thợ. Nguy cơ phải đóng cửa đã hiện ra trước mắt: “Làm có lời mới làm nhưng đối với làng nghề truyền thống chủ yếu lấy công làm lời. Bây giờ sản xuất ra không bán được không có đồng lời sẽ hao hụt vốn, do đó cần đồng vốn bổ sung thêm để duy trì làng nghề phát triển”.

Là hộ nghèo của thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, cách đây 3 năm, anh Võ Tấn Lợi được Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phú Giáo cho vay 30 triệu đồng để học nghề, mở tiệm hớt tóc. Nhờ có tiệm tóc, vợ chồng anh có tiền lo cho 3 đứa con nhỏ ăn học và cũng từng bước thoát nghèo. Thế nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, tiệm hớt tóc vắng khách rồi tạm đóng cửa, cũng là lúc gia đình anh gặp khó khi tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền sinh hoạt… cứ thế chất chồng.

 
ht_1_ibto.jpg
Anh Lợi mong muốn sớm được hỗ trợ vay vốn để ổn định cuộc sống.

“Lúc đóng cửa tiệm khổ lắm! Ở nhà không biết làm gì ra tiền, cho nên đâu có tiền đóng tiền thuê nhà, chủ nhà cũng không bớt tiền thuê. Giờ mình muốn vay một số tiền sửa chữa tiệm đẹp đẽ hơn, lo cho con cái ăn học. Mong ngân hàng hỗ trợ cho tôi vay với lãi suất thấp.”, anh Võ Tấn Lợi chia sẻ.

Để giúp các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo…có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống, đặc biệt trong thời điểm khó khăn hiện nay, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bình Dương đã có tờ trình về việc “ủy thác vốn địa phương để cho vay tháo gỡ khó khăn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác” đề xuất UBND tỉnh trích ngân sách 300 tỷ đồng cho các đối tượng vay vốn và đã được chấp thuận. 

UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các ban, ngành có liên quan rà soát đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 lập danh sách để Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thống kê, báo cáo Sở Tài chính chuyển tiền để ngân hàng giải ngân cho nhân dân.

Đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và vay giải quyết việc làm. Với gói hỗ trợ này, mỗi trường hợp có thể vay nhiều nhất 100 triệu đồng, lãi suất tính theo Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam quy định cho từng đối tượng. Trường hợp muốn vay vốn liên hệ ngân hàng chính sách cấp huyện, thị, thành phố hoặc UBND nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể. 

Ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, việc xét đối tượng thụ hưởng gói 300 tỷ đồng đang được tiến hành đảm bảo tính minh bạch, chính xác, đúng đối tượng thụ hưởng: Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cùng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có văn bản chỉ đạo cho cấp huyện, thị, thành phố triển khai xuống chính quyền địa phương cấp xã, phường, thị trấn để rà soát xuống khu, ấp lấy danh sách đối tượng bị ảnh hưởng cần có nhu cầu vay vốn để tái sản xuất, khắc phục hậu quả này, làm sao sản xuất kinh doanh vực dậy, tăng thu nhập trở lại.”

Những người nghèo, khó khăn hy vọng các ngành, các cấp của Bình Dương nhanh chóng tiến hành, không để chính sách đưa ra rồi lòng vòng mãi. Bởi, trong giai đoạn này những đối tượng này đang phải từng ngày “gồng mình” trong khó khăn./. (Thiên Lý/VOV-TPHCM)

Đà Nẵng bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết 42

Ngày 29/4, TP Đà Nẵng bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.

Việc chi hỗ trợ bắt đầu từ nhóm đầu tiên là người có công cách mạng, thực hiện qua hệ thống bưu điện. Tại Đà Nẵng có khoảng 17.000 người có công được nhận hỗ trợ. Trong tuần này, các đối tượng thuộc nhóm hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội sẽ được nhận tiền hỗ trợ.
nhung_nguoi_gia_nhu_ong_pham_bong_hwph.jpg
Các đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được nhận tiền hỗ trợ trong đợt này.
UBND TP Đà Nẵng giao UBND quận, huyện thực hiện chi trả nhóm đối tượng này. Tổng số tiền chi trong đợt hỗ trợ này là khoảng 85 tỉ đồng. Các đối tượng là “Người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng không hưởng lương”; “Người lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm, lao động tự do hoặc tự tạo việc làm”;“Hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm”; “Doanh nghiệp sử dụng lao động khó khăn về tài chính” đang được các đơn vị, địa phương khảo sát lập danh sách.
Ngoài 7 đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, thành phố Đà Nẵng hỗ trợ thêm một nhóm đối tượng “Thân nhân của người có công cách mạng hưởng trợ cấp thường xuyên theo Nghị quyết của HĐND TP”, “đối tượng bảo trợ xã hội đặc thù”.
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết, quy trình chi trả được thực hiện rất chặt chẽ: "Xã phường lập danh sách cụ thể. Hộ Người có công cách mạng và bảo trợ xã hội thì phòng Lao động Thương binh và Xã hội các quận huyện gửi danh sách về cho xã phường. Xã phường xác nhận cụ thể kiểm tra danh sách lại xong thì ký xác nhận, có giám sát của Ủy ban Mặt trận gửi lên Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội. Phòng này mới trình qua Chủ tịch UBND quận huyện. Chủ tịch UBND cấp quận huyện ký quyết định chi trả. Đối với thành phố Đà Nẵng điều tiết ngân sách dưới 50% nên được Trung ương hỗ trợ 30% còn ngân sách thành phố 70%. Theo quy định đó, thành phố đã tạm ứng ngân sách để chi trả". /. (PV/VOV-Miền Trung)
 Cần Thơ chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19

TP. Cần Thơ đang tích cực thực hiện chi tiền hỗ trợ cho người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Những người được chi trả trong đợt này gồm ba nhóm đối tượng 5, 6 và 7.

Hiện nay, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đang tích cực triển khai chi hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, trong đó 3 nhóm được nhận tiền chi trả trong đợt này gồm nhóm 5, 6 và 7.

nganh_y_te_do_than_nhiet_tai_diem_chi_tra_nfow.jpg
Ngành y tế đo thân nhiệt tại điểm chi trả.

Nhóm 5 là người có công với cách mạng được hỗ trợ một lần ba tháng với mức 500.000 đồng/người/tháng. Nhóm 6 là bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, hỗ trợ một lần ba tháng, mức 500.000 đồng/người/tháng và nhóm 7 là người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, hỗ trợ một lần ba tháng, mức hỗ trợ là 250.000 đồng/người/tháng.

Ghi nhận tại một điểm chi trả ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn, người dân giữ khoảng cách 2m, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ.

quan_o_mon_co_hon_14_ngan_nguoi_duoc_chi_tra_trong_dot_nay_ztha.jpg
Quận Ô Môn có hơn 14 ngàn người được chi trả trong đợt này.

Bà Dương Ngọc Giàu, phường Thới Hòa cho biết, gia đình phụ thuộc chính vào bán hàng rong, mỗi ngày thu nhập từ 100.000-150.000 đồng, đủ trang trải chi phí, sinh hoạt hàng ngày. Từ khi dịch xảy ra buôn bán chậm lại, không đủ tiền chi phí sinh hoạt, cuộc sống khó khăn. Hôm nay nhận được tiền hỗ trợ rất mừng, giúp người dân nghèo vượt qua khó khăn trước mắt.

"Bán bánh kẹo nhỏ đâu có nhiều, sống qua ngày cũng như xin gạo ATM để ăn, Nhà nước hỗ trợ này mừng lắm chứ", bà Giàu chia sẻ.

Ông Hoàng Văn Đôn, Chủ tịch UBND phường Thới Hòa, quận Ô Môn cho biết, địa phương đang tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo, với tổng số 877 người. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, tại điểm chi trả sẽ có lực lượng chức năng kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn người dân sát khuẩn, giữ khoảng cách khi đến nhận tiền hỗ trợ.

"Chúng tôi phối hợp với các đơn vị có liên quan như là công an, y tế, đi cùng với đoàn để đến các nhà thông tin, đồng thời quán triệt cho y tế thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác giám sát thì chúng tôi cũng tham mưu cho Đảng ủy phân công Mặt trận tổ quốc của phường tiến hành xuống các điểm để tiến hành giám sát trong quá trình cấp phát, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng và cấp phát kịp thời cho các đối tượng", ông Hoàng Văn Đôn cho biết.

Quận Ô Môn đang tích cực triển khai việc chi trả cho nhóm 5,6 và 7, dự kiến trong ngày hôm nay địa phương sẽ thực hiện dứt điểm việc chi trả, nếu những hộ có người dân ốm đau, bệnh tật không đến địa điểm chi trả thì cán bộ Phòng Lao động, nhân viên bưu điện sẽ đến từng nhà để thực hiện việc chi trả này cho người dân.

neu_nguoi_dan_khong_den_duoc_can_bo_phuong_buu_dien_se_thuc_hien_viec_chi_tra_tai_nha_kvls.jpg
Nếu người dân không đến được cán bộ phường, bưu điện sẽ thực hiện việc chi trả tại nhà.

Ông Trương Hòa Lợi, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Ô Môn cho biết, chi trả đợt này địa phương có hơn 14.801 người sẽ được nhận tiền hỗ trợ gồm, người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo.

"Triển khai vào ngày 28/4, cấp phát toàn bộ và đến ngày 29/4 là phải dứt điểm. Tuy nhiên, có một số trường hợp mà không có ở nhà thì phòng cũng phối hợp với UBND các phường, rồi bưu điện để làm sao liên hệ có thể là đến ngày 30/4 những hộ còn lại để cho dứt điểm luôn.", 

Theo Sở Lao động Thương binh và xã hội TP. Cần Thơ, tổng số người được hưởng theo Nghị quyết 42 mà các các quận, huyện gửi về đến thời điểm này 128.290 người, tổng kinh phí dự kiến trên 143 tỷ đồng. Hiện nay, địa phương đang thực hiện việc chi trả cho nhóm 5,6 và 7 gồm người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo, với số lượng gần 90.000 người, tổng kinh phí thực hiện khoảng 100 tỷ đồng./. (Phạm Hải/VOV-ĐBSCL)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên