Người dân xóm “nhà cháy” TP Nha Trang mong sớm được tái định cư
VOV.VN - Các gia đình gặp nạn vụ cháy ở cồn Nhất Trí mong muốn sớm được tái định cư, xây nhà ổn định cuộc sống.
Sau hơn 1 tháng kể từ khi xảy ra vụ cháy kinh hoàng, thiêu rụi nhà ở của 76 hộ gia đình tại cồn Nhất Trí, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đến nay, cuộc sống của người dân đã tạm ổn định tại nơi ở tạm. Mong muốn lớn nhất của người dân lúc này là sớm được tái định cư, xây nhà ổn định cuộc sống.
Khu vực nhà dân cháy hoang tàn. |
Ngay sau vụ cháy, các gia đình gặp nạn ở cồn Nhất Trí được chính quyền bố trí ở tạm tại ký túc xá Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa, cách nơi ở cũ chừng 5km. Mỗi gia đình được bố trí một phòng ở rộng 40m2, có đầy đủ giường tủ, điện, nước, nhà vệ sinh khép kín. Những hộ có người cao tuổi ở tầng thấp để thuận lợi trong sinh hoạt. Đến nay, nhiều tổ chức, cá nhân đã đến thăm, tặng quà và hỗ trợ nhu cầu tối thiểu của bà con trong cuộc sống hằng ngày. Tuy vậy, khi nghĩ về cuộc sống lâu dài, nhiều người không khỏi lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết, các hộ dân đã sinh sống tại cồn Nhất Trí từ hơn 40 năm nay. Gần đây, bờ sông Cái liên tục bị sạt lở, nước sông xâm thực, liên tục bị sóng lớn nên năm nào ở đây cũng có nhà bị sập.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa chia sẻ, mong muốn lớn nhất của người dân là sớm được giải tỏa, tái định cư ở nơi mới, an toàn: “Tôi về làm dâu ở đây đã 22 năm, khi trước nghe nói sẽ giải tỏa nhưng từ đó đến giờ chỉ nghe nói nhưng chưa có giải tỏa gì hết. Năm ngoái mấy ổng kêu thôi bây giờ nhà nào sụp thì hãy che lại ở đi chứ chưa biết có giải tỏa hay không, có nhà cũng che lại, sửa chữa lại cũng nhiều lắm”.
Từ sau vụ cháy nhà hàng loạt ở cồn Nhất Trí, đã có khoảng 145 tổ chức, cá nhân đến thăm hỏi, hỗ trợ tiền và nhu yếu phẩm cho các gia đình bị hỏa hoạn. Chính quyền địa phương, hàng ngày đều có đại diện các cơ quan, đoàn thể túc trực tại ký túc xá để giúp đỡ bà con. Đa phần người dân đều làm nghề đi biển, sau vụ cháy, tài sản mất rồi, nơi ở chưa ổn định nên nhiều người chưa đi biển trở lại.
Ông Đỗ Văn Hùng ở cồn Nhất Trí cho biết, trước đây người dân đồng ý giải tỏa nhưng bà con chỉ mong muốn nguyện vọng chính đáng của mình được các cấp giải quyết thấu tình đạt lý. Đi biển, nên người dân mong muốn nơi ở mới gần biển, gần cảng cá để thuận tiện cho công việc, neo đậu tàu thuyền. Mặt khác, diện tích đất cũng rất chật hẹp, nhiều hộ pháp lý chưa rõ ràng, còn nhà chồ thì chỉ bằng vật liệu tạm... vì thế kinh phí đền bù cũng không nhiều.
Ông Đỗ Văn Hùng lý giải: “Không phải không giải tỏa nhưng giá cả bồi thường không hợp lý, vấn đề là như vậy chứ không phải không giải tỏa hay nhà nước cần giải tỏa. Hỗ trợ, tái định cư nhưng ngược lại giải tỏa cái giá không thỏa đáng. Bà con nếu trường hợp bị thu hồi di dời giải tỏa thì không thể nào đủ tiền để xây dựng nhà mới”.
Sắp tới, UBND phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang sẽ giúp đỡ người dân làm lại những giấy tờ đã bị cháy, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành cắm mốc trên thực địa, xác định diện tích thực tế của các hộ bị cháy. Từ căn cứ đó để làm thủ tục trình thành phố xem xét cấp đất tái định cư cho bà con. Đồng thời, tuyên truyền để tránh tình trạng người dân tái chiếm về lại nơi ở cũ. Chính quyền địa phương hướng dẫn các hộ dân bị thiệt hại lập sổ tiết kiệm để sau này dùng số tiền này xây nhà, ổn định cuộc sống.
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, khu vực vừa bị cháy không đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân: “Không ở chỗ này nữa, ở ven sông, xói lở bờ sông rất nguy hiểm. Giao đất cho bà con ở một nơi ở mới, trên cơ sở các quỹ vận động được, sẽ có phương án để hỗ trợ bà con xây dựng nhà. Kinh phí này, Uỷ ban Mặt trận thành phố Nha Trang sẽ tiếp nhận. Việc sử dụng quỹ này như thế nào sẽ tính toán, tránh tình trạng bà con có chỗ đất mới không xây dựng nhà hoặc xây dựng nhà ki”.
Sau vụ cháy, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã xuống thăm hỏi, động viên bà con nơi đây. Tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng lưu ý, tại thành phố Nha Trang vẫn còn rất nhiều căn nhà chồ trên sông, trên biển không đảm bảo an toàn cho người dân. Tỉnh Khánh Hòa cần tính toán tái định cư cho cả những hộ này. Đối với những hộ vừa bị cháy nhà, khi tái định cư cần phải chuẩn bị nơi ở mới có đủ hạ tầng như: điện, nước, đường giao thông...
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Ở nơi ở mới ổn định, điều kiện thuận tiện đảm bảo cuộc sống cho bà con tốt hơn và làm thế nào gắn với sinh kế. Giờ lên tái định cư mới, bà con không gắn được với lại nghề cũ, người ta làm gì để sống, phát triển dịch vụ gì để người ta làm ăn. Không phải là công nhân có tay nghề, chủ yếu chỉ làm nghề biển và đánh bắt ven bờ, gắn với nghề cũ được không, chuyển đổi nghề mới thì sinh kế như thế nào?
Tạo điều kiện xây dựng nhà ở mới khang trang, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, không để tái lập những căn nhà “ổ chuột”, tỉnh Khánh Hòa cũng cần tính toán để có chính sách hỗ trợ sinh kế lâu dài cho người dân./. Vụ cháy nhà ở Khánh Hoà: Thất thần bên đống tro tàn