Nguy hiểm bệnh sởi ở trẻ chưa đủ tuổi tiêm vắc-xin

VOV.VN -Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sốt cao liên tục, khó thở, mệt mỏi, không chịu ăn uống, phát ban toàn thân, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có khả năng lây nhiễm cao ở môi trường ẩm thấp và đặc biệt ở trẻ chưa có miễn dịch với bệnh sởi. 

Trẻ nhỏ dễ mắc biến chứng 

Theo bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương,  bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ và thường xảy ra vào mùa đông xuân. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh sởi xảy ra quanh năm. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng.

Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương đang thăm khám cho bệnh nhi.

“Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do hít hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của người bệnh. Do vậy bệnh dễ lan thành dịch. Với người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây tử vong”, bác sĩ Thúy Nga nhấn mạnh.

Tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ mắc bệnh sởi được ghi nhận rải rác từ đầu năm đến nay.

Trường hợp con chị Phạm Thu Hiền, 2 tháng tuổi, ở Hưng Yên khi nhập viện mới biết bị viêm phổi do biến chứng của bệnh sởi. Chị Hiền cho biết, trước đó 5 ngày, con lên ban đỏ hai bên má và quấy khóc, chị Hiền cứ nghĩ con bị dị ứng. Hôm sau, thấy nốt ban lan ra khắp người, gia đình hốt hoảng liền đưa con đến BV Nhi Trung ương thì được chẩn đoán mắc bệnh sởi có biến chứng viêm phổi.

Chị Hiền chia sẻ: “Sau 5 ngày điều trị và tiêm thuốc, sức khỏe của cháu đã ổn, giờ cháu đã hết sốt và chỉ khò khè. Bác sĩ bảo phải theo dõi vài ngày nữa cháu sẽ được ra viện”. 

Còn con chị Nguyễn Thị Dương ở Mê Linh, Hà Nội 10 tháng tuổi phải nhập viện điều trị tiêu chảy do biến chứng của sởi. Nhìn con quấy khóc, kém ăn do nhiệt miệng, chị Dương không khỏi xót xa: “Trước đó em định đưa con đi tiêm phòng sởi nhưng cháu bị viêm phế quản. Mấy hôm sau mẹ bị sởi, do vậy con bị lây bệnh từ mẹ. Sau 4 ngày nằm viện, nốt sởi cũng bay gần hết và hết sốt nhưng con vẫn phải tiếp tục điều trị tiêu chảy”.

Những lưu ý khi chăm sóc

Theo bác sĩ Thúy Nga, bệnh sởi hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cách chữa chủ yếu là cải thiện triệu chứng như uống thuốc hạ sốt, uống vitamin A theo chỉ định, vệ sinh cá nhân như tắm hằng ngày và nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý và chú ý chế độ ăn uống.

Việc điều trị chủ yếu là phòng bội nhiễm và điều trị các biến chứng nặng do sởi gây ra. Vì vậy, việc chăm sóc trẻ đóng vai trò hết sức quan trọng. Đối với bệnh sởi, nếu trẻ ổn định không có biến chứng và gia đình có đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể điều trị tại nhà cho trẻ.

“Cha mẹ nên cho trẻ ăn đủ, không kiêng khem để bù kịp thời các chất dinh dưỡng mất do nhiễm trùng. Tránh quan niệm kiêng tắm, kiêng gió bởi sẽ làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn”, bác sĩ Thúy Nga lưu ý.

Theo báo cáo gần đây nhất của Cục Y tế Dự phòng, số trường hợp mắc bệnh sởi được ghi nhận chủ yếu tại miền Bắc và một số tỉnh miền Nam. Đáng lưu ý, các ca mắc bệnh sởi tập trung tại các khu vực di biến động dân cư cao, ở các đối tượng chưa được tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sởi.

Trong 141 trường hợp dương tính với sởi có 54 trường hợp (38%) dưới 9 tháng tuổi - chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 55 trường hợp (39%) không tiêm chủng, 22 trường hợp (15,6%) không rõ tiền sử tiêm chủng, 10 trường hợp (7,1%) có tiêm vắc-xin sởi.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh sởi. Không để bùng phát dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ ở tất cả các xã, phường trên địa bàn, thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét, không để sót đối tượng, lưu ý các địa bàn có di biến động dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống. Các tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện tiêm vắc-xin phòng sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng, đảm bảo tất cả các trẻ em được tiêm đúng lịch, đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 95% quy mô xã, phường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thực phẩm lành mạnh hàng đầu cho người bị bệnh sỏi thận
Thực phẩm lành mạnh hàng đầu cho người bị bệnh sỏi thận

VOV.VN - Trong bài này, chúng tôi liệt kê một số loại thực phẩm lành mạnh hàng đầu có thể được sử dụng để điều trị sỏi thận.

Thực phẩm lành mạnh hàng đầu cho người bị bệnh sỏi thận

Thực phẩm lành mạnh hàng đầu cho người bị bệnh sỏi thận

VOV.VN - Trong bài này, chúng tôi liệt kê một số loại thực phẩm lành mạnh hàng đầu có thể được sử dụng để điều trị sỏi thận.

Vaccine phòng bệnh Sởi- Rubella sẽ được đưa vào Chương trình TCMR
Vaccine phòng bệnh Sởi- Rubella sẽ được đưa vào Chương trình TCMR

VOV.VN -Từ tháng 4/2018, vaccine Sởi – Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong TCMR.

Vaccine phòng bệnh Sởi- Rubella sẽ được đưa vào Chương trình TCMR

Vaccine phòng bệnh Sởi- Rubella sẽ được đưa vào Chương trình TCMR

VOV.VN -Từ tháng 4/2018, vaccine Sởi – Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong TCMR.